Gần đây, biến đổi khí hậu trở nên gay gắt dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, nắng nóng… Thường xuyên theo dõi tin tức, nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Ngô Tuấn Kiệt (20 tuổi, quê Đà Nẵng) mong muốn góp một phần công sức để hạn chế rác thải ra môi trường.
Việc nhỏ, ý nghĩa lớn
Ngoài sử dụng tối đa tiện ích của những vật phẩm bằng nhựa, Kiệt còn tìm hiểu cách thức phân loại bao bì, chai nhựa, vỏ hộp, túi ni-lông… xem cái nào có thể tái sử dụng được. Hành động này được Kiệt lặp đi lặp lại nhiều lần với sự kiên trì và nghiêm túc, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến những người xung quanh. Bạn bè của Kiệt dần có ý thức mang theo hộp đựng, bình chứa khi mua thức ăn, đồ uống… tại các hàng quán thay vì nhận hộp xốp, ly nhựa dùng một lần như trước.
Từ khi học phổ thông, Hồ Nguyễn Minh Tuệ (sinh viên ĐH Kinh tế TP HCM) đã làm quen với các dự án bảo vệ môi trường do Đoàn Thanh niên, nhà trường và địa phương tổ chức. Hễ nghe có các chương trình dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh quanh khu vực sinh sống, Minh Tuệ luôn tích cực góp sức. Theo Tuệ, chỉ cần mỗi người có ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan thiên nhiên, không xả rác bừa bãi… thì sẽ góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống cho cộng đồng.
Lên đại học, Tuệ cùng nhiều bạn đồng trang lứa hiếm khi từ chối góp sức vào các chiến dịch vì môi trường xanh, vì đô thị văn minh – sạch – đẹp. Cô gái trẻ này sẵn sàng xắn tay áo hỗ trợ dọn dẹp rác thải dù đối mặt không ít rủi ro. Các dạng rác thải không thể phân hủy và có khả năng tái chế được Tuệ và bạn bè thu gom, tập kết và đưa về các nhà máy.
Hình thành thói quen tiết kiệm
Ngô Yến Nhi (sinh năm 2002, quê Đồng Nai) từ lâu đã không còn ưa chuộng các sản phẩm thời trang nhanh khi biết được hệ lụy từ ngành công nghiệp may mặc giá rẻ, được sản xuất đại trà.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Nhi ưu tiên lựa chọn các thương hiệu đặt tiêu chí bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Nhi cho biết thường tìm xem các tài liệu, video trên mạng để hiểu hơn về tác hại của hiệu ứng nhà kính và những cách thức giảm thiểu phát thải khí carbon. Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, Nhi còn xây dựng thói quen sống lành mạnh, tránh lãng phí. Điều này được Nhi thể hiện qua việc hình thành thói quen tiết kiệm điện, nước cho dù tại nhà riêng hay nơi công cộng. Nhi cũng tự nấu ăn, thay vì gọi đồ ăn bên ngoài, để hạn chế tiêu thụ đồ dùng bằng nhựa…
Theo Nhi, giải quyết tốt vấn đề lãng phí thực phẩm cũng là cách góp phần tạo lối sống bền vững, bảo vệ môi trường sống và các nguồn tài nguyên. Các dự án tái chế quần áo cũ của các nhãn hàng đều có sự tham gia nhiệt tình của Nhi. Từng bị đánh giá là “làm màu” khi từ chối nhận các loại túi, ly nhựa dùng một lần nhưng Nhi tự tin vào con đường mình đang theo đuổi. “Các bạn trẻ không nên xem sống xanh là một kiểu phong trào, thay vào đó, nên trải nghiệm, điều này sẽ giúp các bạn hiểu được ý nghĩa của lối sống lành mạnh, thân thiện với môi trường” – Nhi bày tỏ.
Những năm qua, Việt Nam cũng đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Việc nhiều bạn trẻ không còn thờ ơ mà chung tay xây dựng lối sống bền vững, thân thiện với thiên nhiên là điều rất đáng trân trọng. Mỗi hành động nhỏ hay các chiến dịch rộng khắp đều góp phần lan tỏa thông điệp ý nghĩa, đó là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nguồn: https://nld.com.vn/song-xanh-song-tich-cuc-196240720193921002.htm