Ngày 18-1, Bộ GD-ĐT sơ kết Chương trình “sóng và máy tính cho em”. Đến nay, 92.629 máy tính bảng (từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông) đã được phân bổ cho học sinh 24 tỉnh, thành.
Năm học 2020-2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16/CT-TTg. Để đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, các địa phương đã triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn vì thiếu trang thiết bị cần thiết như máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet…
Trong bối cảnh đó, Chương trình “sóng và máy tính cho em” ra đời. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận máy tính, tiền và phân bổ cho các địa phương trao cho học sinh. Theo đó, 92.629 máy tính bảng đã được phân bổ cho học sinh 24 tỉnh, thành.
Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận và phân bổ tiền cho 17 tỉnh để các địa phương chủ động tổ chức mua sắm, kịp thời bàn giao cho học sinh, với số tiền 513 tỷ đồng; huy động trong ngành giáo dục được 156,92 tỷ đồng (62.768 máy); 35.639 máy tính và máy tính bảng; 33.209 điện thoại thông minh và 101.733 thiết bị khác từ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục. Bên cạnh đó, TPHCM tài trợ 72.000 máy cho học sinh của thành phố. Một số nguồn khác cũng đang được tiếp tục huy động theo như cam kết của các nhà tài trợ.
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa nhân văn của chương trình trong giai đoạn II, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ TT-TT báo cáo Thủ tướng để hoàn thành triển khai thực hiện giai đoạn I, tiếp tục phân bổ 400.000 máy tính bảng từ Quỹ Viễn thông công ích Việt Nam đúng kế hoạch của Chương trình “sóng và máy tính cho em” (theo quyết định về việc phân bổ máy tính bảng thuộc chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 cho các tỉnh, thành).
Bộ TT-TT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và cá nhân hỗ trợ, thực hiện giai đoạn II của chương trình, nhằm giúp tất cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn có máy tính để học tập; các em có cơ hội tiếp cận phương pháp học tập mới, góp phần tạo nên công bằng trong giáo dục đối với những đối tượng khó khăn, yếu thế cần được xã hội quan tâm, giúp đỡ.
PHAN THẢO