Đầu năm 2024, vượt qua nhiều tác phẩm sách minh họa Pháp ngữ, Sống đoạt giải Prix du Jury oecuménique de la BD 2024. Cuốn sách được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bản tiếng Việt.
Điều gì đã khiến tác phẩm đầu tay viết về chủ đề lịch sử, chiến tranh của hai cô gái trẻ người Việt và Pháp lại bước qua được các giới hạn thông thường, những “định kiến” để chinh phục độc giả Pháp lẫn Việt Nam?
Trở về với đất nước là trở về với mẹ
Sống kể hai câu chuyện song song giữa hiện tại hòa bình và quá khứ chiến tranh từ góc nhìn của cô con gái sinh ra trong một gia đình gốc Việt tại Pháp, tò mò về nguồn cội của mình, về quá khứ hào hùng của người mẹ.
Và dù là hiện tại hay quá khứ, dù chiến tranh hay hòa bình, dù văn hóa Pháp hay Việt, nó được kể từ góc nhìn độc đáo, vừa phổ quát lại vừa rất riêng tư. Đặc biệt chiến tranh được nhìn ở góc độ rất con người.
Hải Anh là con gái của nữ đạo diễn Việt Linh, sinh trưởng tại Pháp. Năm 2020, sau khi lấy bằng thạc sĩ kinh tế học văn hóa rồi đến bằng điện ảnh, Hải Anh chuyển về sống ở TP.HCM.
Cuộc trở về, khao khát tìm hiểu về đất nước, nguồn cội đã thôi thúc Hải Anh viết cuốn sách đầu tiên về chính người mẹ nổi tiếng của mình, trong khoảng thời gian 7 năm từ 1969-1975, khi bà (Linh) sống ở chiến khu để học làm phim, quay những thước phim về chiến tranh, cho tới khi trở thành một đạo diễn nổi tiếng thời hậu chiến.
Một người mẹ của cô con gái sinh ra, lớn lên trong một nền văn hóa khác mình.
Chiến tranh là như thế
Tiểu thuyết bằng tranh như một cuốn phim được dựng đồng hiện giữa quá khứ và thực tại, cho người ta được khám phá chiến tranh, lý tưởng sống của cả một thời đại từ góc nhìn nữ tính, từ những câu chuyện mẹ kể con gái nghe.
Chiến tranh không phải những trận đánh ác liệt, những chiến công hay đau thương, mà là chuyện anh lính tên Nam đa tình, bỏ đơn vị đi thăm người yêu.
Chuyện cô bé Linh những ngày đầu ở chiến khu khốn khổ vì những buổi họp phê bình lề lối “tiểu tư sản”.
Là chuyện những vườn rau tăng gia trong rừng của tổ làm phim. Thậm chí là chuyện vất vả và xấu hổ của chị em phụ nữ phải đối mặt những ngày kinh nguyệt.
Bằng cách lội ngược lại quá khứ của mẹ mình, tìm hiểu từng nỗi đau, Hải Anh cuối cùng đã hiểu mẹ hơn, yêu mẹ và đất nước nguồn cội của mình hơn.