Cao Bằng – vùng đất biên cương có nhiều điểm đến lịch sử như hang Pác Bó, suối Lê Nin hay những địa danh gắn với các triều đại xưa kia như Thành nhà Mạc, đền vua Lê… Bốn hệ thống sông chính ở Cao Bằng cũng góp phần kiến tạo vẻ đẹp non nước cho xứ này là Bằng Giang, Quây Sơn, sông Gâm và Bắc Vọng.
Cái tên Quây Sơn theo nghĩa Hán Việt là bao quanh núi. Sông bắt nguồn từ những con suối của Tĩnh Tây (Trung Quốc), bắt đầu chảy vào Việt Nam tại địa phận xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, sau đó lần lượt chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh), qua huyện Hạ Lang rồi chảy về Trung Quốc.
Sông có chiều dài gần 90km, sông chảy trên lãnh thổ Việt Nam với độ dài khoảng 50km, cùng với một chi lưu là suối Cạn có chiều dài 20km. Ngồi trên bè mảng xuôi theo dòng nước chảy, du khách sẽ thấy mình như đang du ngoạn trong bối cảnh của một bộ phim cổ trang.
Màu nước xanh biếc hòa sắc núi rừng khiến cho cụm từ “sơn thủy hữu tình” có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Ven sông, thấp thoáng bản làng của người Tày, người Nùng. Chùm hoa rừng đỏ chói sau mưa trên vách núi, hay vạt lau trắng phất phơ in bóng xuống dòng sông khiến du khách như đang được chìm vào thế giới của sự lãng mạn, phiêu bồng.
Đứng trên vọng gác của đồn biên phòng Đàm Thủy nhìn xuống, dòng Quây Sơn như một mảng màu tuyệt đẹp được tạo hóa phết lên tấm toan thiên nhiên, để rồi nơi nào sông chảy qua là nơi đó thành “xứ sở thần tiên”.
Nước sông mang theo phù sa như làm biến ảo đôi bờ. Có chỗ, dòng nước màu xanh ngọc bích phẳng lặng, trầm tư khi ôm quanh vách đá sừng sững, lúc lại hiền hòa, mềm mại dưới những khóm tre xanh mướt, có khúc sông lại như tấm voan mềm chảy qua cánh đồng lúa chín mênh mông.
Tạp chí Heritage