Theo PGS. TS. Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), trong một môi trường phát triển nhanh chóng cả về kinh tế và công nghệ số, người trẻ rất dễ bị cuốn theo vòng xoáy của sự hào nhoáng theo cách “phông bạt” như một tiêu chí để khẳng định bản thân và không bị tụt lại phía sau.
PGS. TS. Phạm Chiến Thắng cho rằng, người trẻ rất dễ bị cuốn vào lối sống phông bạt, phô trương ảo. (Ảnh: NVCC) |
“Phông bạt” để khẳng định giá trị bản thân
Ông nghĩ gì về lối sống “phông bạt” của một số người trẻ hiện nay? Sự khác biệt giữa việc thể hiện bản thân trên mạng xã hội và lối sống “phông bạt” là gì, thưa ông?
Sống “phông bạt” không còn là một vấn đề xa lạ trong giới trẻ hiện nay. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các bạn trẻ coi việc phải làm màu là điều quan trọng mà họ phải làm khi tham gia hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội, hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày.
Trong một môi trường phát triển nhanh chóng cả về kinh tế và xã hội như ở nước ta hiện nay, người trẻ rất dễ bị cuốn theo vòng xoáy của sự hào nhoáng theo cách “phông bạt” như một tiêu chí để khẳng định bản thân và không bị tụt lại phía sau.
Mặc dù, việc thể hiện bản thân trên mạng xã hội và lối sống này đều có liên quan đến cách thức một cá nhân cung cấp những thông tin hoặc hình ảnh về mình trên nền tảng này, tuy nhiên, xét về mục đích và bản chất, chúng vẫn có những sự khác biệt nhất định. Thể hiện bản thân trên mạng xã hội có giá trị trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, dựa trên những giá trị chân thực của họ như sở thích, thành tựu, thói quen… Ngoài ra, còn để duy trì kết nối với gia đình, bạn bè hoặc cộng đồng mà họ quan tâm.
Ở chiều ngược lại, việc “phông bạt” trên mạng xã hội lại nhằm tạo dựng các hình ảnh hào nhoáng, xa hoa, được phóng đại để tìm kiếm sự công nhận, ngưỡng mộ hoặc che giấu sự thật dù thực tế không giống như vậy, đây là một cách làm bất chấp tất cả để được nổi tiếng.
Tuy nhiên, để phân định chính xác đâu là thể hiện bản thân, đâu là “phông bạt” còn phải xét động cơ của thông tin cung cấp, đặc biệt là tính xác thực, độ chân thực của nội dung thông tin đó. Việc thể hiện bản thân một cách quá mức, đôi khi cũng bị coi là làm màu mặc dù thông tin đó là thật, nhưng nó lại bị thổi phồng để tìm kiếm một lợi ích nào đó.
Những yếu tố nào thúc đẩy sự xuất hiện và phát triển của lối sống phông bạt trong giới trẻ? Có phải do áp lực xã hội, ảnh hưởng của truyền thông hay còn lý do nào khác?
Trong một xã hội phát triển nhanh chóng, áp lực không chỉ dành cho người trưởng thành, ngay cả những người trẻ tuổi cũng phải chịu nhiều áp lực khác nhau để có thể theo kịp sự phát triển này. Áp lực tới từ gia đình, nhà trường và cả xã hội, phụ huynh muốn con em mình phải đạt được nhiều thành tựu, nhà trường muốn học sinh phải xuất sắc, xã hội cần những người thành công để thúc đẩy sự phát triển. Chính điều này khiến nhiều bạn trẻ bị rơi vào áp lực của sự kỳ vọng, họ chịu sự so sánh với những người xung quanh, họ cũng muốn được công nhận.
Từ đó, họ không sẵn sàng chấp nhận những khuyết điểm nội tại và tìm mọi cách để che đậy, chỉ “phô” ra những mặt tốt, hoặc nếu không có thì làm mọi cách để nó trở lên tốt đẹp trong mắt người khác. Trong tâm lý học, vấn đề này thuộc về cảm giác tự ti của cá nhân, khi họ thiếu tự tin về bản thân thì việc tạo dựng hình ảnh “phông bạt” như một cách bù đắp và thể hiện bản thân.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, các hình thái kinh tế mới như thương mại điện tử, kinh tế số… đã tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng cho nhiều bạn trẻ có sự nhanh nhạy đối với các công nghệ mới. Chính sự thành công “thần tốc” của một bộ phận người trẻ tuổi xuất sắc hiện nay cũng khiến cho bộ phận còn lại tìm cách “chạy đua” với mục tiêu phải thành công một cách nhanh chóng như tiêu chí để khẳng định giá trị bản thân.
Trong giai đoạn trưởng thành, nhu cầu được chấp nhận bởi nhóm đồng đẳng rất mạnh mẽ. Do vậy, khi môi trường xung quanh đề cao sự hào nhoáng, giới trẻ có thể cảm thấy áp lực phải “phông bạt” để phù hợp và được chấp nhận. Ngoài ra, ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội hiện nay cũng góp phần tạo điều kiện cho lối sống này trở nên phổ biến và thường xuyên hơn. Những lượt thích, lời khen, ca ngời trên mạng xã hội như một yếu tố sản sinh hành vi mạnh mẽ hơn.
Trong góc nhìn của khoa học xã hội hành vi, nếu một hành vi được củng cố một cách tích cực thì khả năng lặp lại hành vi đó sẽ tăng lên. Trong trường hợp này, sự tán dương hoặc ngưỡng mộ của cộng đồng mạng càng làm cho hành vi “phông bạt” tiếp tục được củng cố và duy trì.
Cuối cùng, việc thiếu giáo dục về giá trị sống là một lý do mang tính cốt lõi, khi thiếu sự hướng dẫn về giá trị sống, giới trẻ dễ bị cuốn vào việc đánh giá bản thân dựa trên vật chất và hình thức bên ngoài, dẫn đến hành vi “phông bạt”. Vấn đề này có thể tới từ sự thiếu quan tâm của gia đình, thiếu các khóa học kỹ năng mềm trong nhà trường hoặc bị ảnh hưởng từ các thông tin độc hại trên Internet.
Lối sống “phông bạt” gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cá nhân và xã hội. (Nguồn: DAD) |
Giáo dục định hình giá trị sống, tránh xu hướng tiêu cực
Lối sống này có những tác động tiêu cực nào đến cá nhân người trẻ và xã hội? Nó có thể dẫn đến những hậu quả gì về mặt tâm lý, xã hội và đạo đức?
Có thể nói, lối sống “phông bạt” gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cá nhân và xã hội. Đối với cá nhân, những người theo đuổi lối sống này thường phải đối mặt với căng thẳng, lo âu, thậm chí là trầm cảm do áp lực duy trì hình ảnh hào nhoáng. Trong cuộc sống thực, áp lực này khiến cá nhân mất đi sự thoải mái và hạnh phúc thực sự.
Ngoài ra, họ có thể sẽ gặp khó khăn khi chi tiêu vượt quá khả năng để duy trì vẻ ngoài xa hoa, dẫn đến nợ nần và mất kiểm soát tài chính. Hơn nữa, khi sự thật bị phơi bày, họ dễ mất lòng tin từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, gây tổn hại đến các mối quan hệ xã hội.
Đối với xã hội, lối sống này làm suy giảm niềm tin vào các giá trị thật, hoặc khó phân biệt được giữa thật và giả. Khi nhiều người chạy theo những giá trị ảo, các mối quan hệ trong xã hội trở nên thiếu chân thành, giả tạo, những mối quan hệ này sẽ không mang lại những giá trị có tính bền vững.
Điều này có thể dẫn đến một môi trường xã hội mà sự giả dối trở nên phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết cộng đồng cũng như niềm tin vào người khác. Ví dụ, khi lòng hảo tâm bị lợi dụng để xây dựng hình ảnh cá nhân, giá trị chân thực của những nỗ lực giúp đỡ bị giảm đi đáng kể, gây tổn hại đến tinh thần chia sẻ và sự chân thành trong xã hội.
Đối với giáo dục, lối sống này phản ánh sự thiếu trung thực và coi thường các giá trị cốt lõi, xa rời các chuẩn mực đạo đức được học khi ngồi trên ghế nhà trường. Các mục tiêu đào tạo ra những người vừa có “tài” vừa có “đức” để đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn, phương pháp giảng dạy kiến thức theo phương pháp truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này đòi hỏi gia đình và nhà trường cần phải phối hợp tích cực để có thể giáo dục cho học sinh biết trân trọng những giá trị thật, sống thật với bản thân và tôn trọng các chuẩn mực đạo đức.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển, làm thế nào để chúng ta có thể phân biệt được những giá trị thật và ảo? Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ để tránh bị cuốn vào những ảo ảnh trên mạng xã hội?
Trên các nền tảng mạng xã hội, nơi mà tính ẩn danh, tin giả trong các nội dung thông tin vẫn đang hiện hữu thì việc phân biệt giữa giá trị thật và ảo không hề đơn giản. Để phân biệt được những giá trị này, cần đánh giá được tính xác thực của nguồn thông tin, độ tin cậy và tính chính danh của người chia sẻ thông tin đó. Cẩn thận hơn nữa, bạn có thể tìm kiếm những thông tin chi tiết, như lý lịch cá nhân, bối cảnh gia đình, công việc…của người cung cấp thông tin để đánh giá tính chính xác trong nội dung thông tin mà họ chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, đối với các thông tin có sức ảnh hưởng, nên đối chiếu với những nguồn cung cấp thông tin chính thống để không bị cuốn vào vòng xoáy của tin giả, tin sai sự thật.
Để không bị cuốn vào những giá trị ảo trên mạng xã hội, các bạn trẻ hãy nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của việc “phông bạt”, sống ảo, nên tham gia vào các hoạt động xã hội để nhìn nhận xã hội một cách thực tế.
Bên cạnh đó, học cách sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, nhận diện những ưu điểm và nhược điểm cũng như các tác động tiêu cực của nền tảng truyền thông này cũng vô cùng quan trọng. Quan trọng là cần tăng cường khả năng tự nhận thức, phát triển tư duy phản biện, giúp các bạn biết cách tự đánh giá các thông tin một cách khách quan.
Vậy giáo dục đóng vai trò như thế nào trong việc định hình giá trị và lối sống cho giới trẻ? Cha mẹ và nhà trường cần làm gì để giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và tránh xa lối sống phông bạt, theo ông?
Giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc định hình giá trị sống và lối sống của giới trẻ, giúp họ phát triển nhân cách, nhận thức đúng đắn về bản thân và xã hội. Thông qua giáo dục, học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng và giá trị đạo đức cần thiết, từ đó xây dựng lối sống lành mạnh và tránh xa những xu hướng tiêu cực.
Cha mẹ làm gương, nhà trường giáo dục sẽ là sự kết hợp hoàn hảo để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các bạn trẻ. Gia đình và nhà trường đều phải đồng hành trong quá trình này. Bởi sự quan tâm từ gia đình, định hướng từ phụ huynh, giáo dục từ nhà trường cùng các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp các bạn trẻ cân bằng được giữa thế giới ảo và thực. Từ đó, giúp họ tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực và không bị lệ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội, từ đó, không bị cuốn theo xu hướng sống “phông bạt”.
Xin cảm ơn ông!