Tôi nghĩ, để thật sự “tiết kiệm” được ở những nơi có mức sống đắt đỏ như TP.HCM, Hà Nội, vấn đề không nằm ở chuyện vật giá chung leo thang. Vấn đề cốt lõi của việc tiết kiệm được hay không phụ thuộc vào thái độ của mỗi người là chính.
Người quyết tâm tiết kiệm khi sống ở những thành phố thì họ là người thực tế. Mà đã là người thực tế thì không ai lại “mơ” mua nhà để an cư tại những nơi này khi thu nhập của mình chưa qua nổi 30 triệu/tháng, bởi vì điều đó là phi thực tế.
Nhưng nếu ai đó cứ vin vào cách nghĩ “an cư” mà bất chấp năng lực thực tế của mình để rồi lại nhận định là không thể tiết kiệm nổi ở thành phố lớn, thì đây là quan điểm không hẳn là chính xác.
Bàn về vấn đề “tiết kiệm”, ai quyết tâm tiết kiệm đều có thể làm được hết. Cuộc sống cũng không đến nỗi quá “căng” như họ nghĩ nếu họ tận dụng được hết những ưu thế mà những thành phố như Hà Nội hay TP.HCM mang lại.
Tôi vào TP.HCM năm 1999 để học đại học. Bốn năm sau tôi tốt nghiệp và có dư 50 triệu trong tài khoản. Tất cả là do tôi biết cách tiết kiệm.
Nguyên tắc của việc tiết kiệm là phải tăng thu giảm chi. Một vấn đề nữa mà tôi chấp nhận để gia tăng cơ hội “tiết kiệm” thành công là tôi làm việc 12 tiếng một ngày.
Chỗ ở
Có vô vàn mức giá về chỗ ở và tất nhiên đi kèm là điều kiện sống khác nhau. Tuy nhiên, tìm kiếm một nơi không quá phức tạp về an ninh và mức giá có thể chấp nhận được tầm 3 – 3,5 triệu/tháng thì không phải là quá khó ở bất cứ thành phố nào.
Nếu bạn đang phân vân có nên ở ghép, tin tôi đi, không nên. Thoạt tiên, ý tưởng này có vẻ hấp dẫn, vì chi phí thuê chỗ ở sẽ “cưa” đôi. Tuy nhiên, có rất nhiều phiền toái về việc phải ở chung với người khác. Đôi khi, những phiền toái này còn khiến bạn tốn kém nhiều hơn.
Chi phí sinh hoạt
Đối với những người có thu nhập thấp (dưới 10 triệu/tháng), việc ăn uống là thứ tốn kém nhất.
Tuy nhiên, biết tận dụng sức mạnh mềm mà những thành phố như Hà Nội, TP.HCM luôn có sẵn, thì bài toán về chi phí ăn uống cũng không quá khó khăn lắm.
Tôi không nghĩ nấu ăn tại nhà sẽ tiết kiệm hơn, dù có thể ở quê thì đúng. Bạn sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí vô hình cho việc nấu ăn tại gia, dù bạn sống một mình hay cùng với gia đình.
Một ngày đi làm về mệt mỏi và còn phải nấu nướng thì đó cũng là một kiểu “chi phí” mà bạn phải trả chứ chưa nói đến hàng loạt thứ bạn phải chi ra để hoàn thành việc nấu nướng. Vậy thì ăn thế nào?
Nếu ăn ngoài, bạn cứ đến những tiệm ăn 0 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng hay 5.000 đồng mà ăn. Những quán ăn yêu thương kiểu này rất nhiều tại các thành phố lớn, và tất nhiên, những quán như vậy dành cho các đối tượng cần đến nó.
Về vấn đề giải trí, đơn giản nhất là bạn lựa chọn thú vui đúng với hoàn cảnh của mình, tuy nhiên, giải trí kiểu gì đi nữa thì cũng phải “hạn chế chi” và để ý các vấn đề sức khỏe là được.
Vấn đề việc làm
Nếu bạn chỉ là lao động phổ thông thì mức lương 10 triệu một tháng cho 8 tiếng sẽ không phổ biến lắm trong thực tế, trừ những công việc quá đặc thù, quá “bào” sức khỏe. Chính vì thế, bạn cần phải xác định là mình làm hai việc để gia tăng cơ hội “thu” và giảm “chi”.
Ở những thành phố như Hà Nội và TP.HCM, tôi tin không bao giờ thiếu việc. Vấn đề là bạn quyết tâm đến đâu thôi. Ví dụ người thân của tôi đi làm 8 tiếng với mức lương 6 triệu. Sau đó, người này về và nhận lặt giá (bỏ đầu và gốc giá, chỉ lấy thân) với thù lao 15.000 đồng/kg. Từ chiều đến đêm, người ấy lặt được 5kg giá như vậy.
Lợi ích của việc làm hai công việc mỗi ngày không chỉ gia tăng thu nhập, mà nó đảm bảo việc bạn không có nhiều thời gian để tiêu tiền. Thậm chí bạn còn có thể lo được các bữa ăn của mình từ công việc mang lại.
Vấn đề tiết kiệm
Khi mà thời gian làm việc của bạn tăng lên, các chi phí như ăn uống, điện nước giảm đi, thì việc bạn tiết kiệm được tối thiểu 30% trên tổng thu nhập của mình là điều hoàn toàn có thể. Nên nhớ, đó chỉ là con số tối thiểu.
Hãy để lại một số tiền vừa đủ trong tài khoản, tiền tiết kiệm thì hãy mở sổ tiết kiệm, tránh để dành tiền mặt gọi là tiết kiệm.
Vấn đề tâm lý
Lối sống tiết kiệm sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hành động tiết kiệm. Chính tâm lý này sẽ khiến cho mong muốn tiết kiệm “phòng thân” của nhiều người thất bại.
Tuy nhiên, khi bạn đã thật sự quen với lối sống tiết kiệm, phần sau sẽ dễ hơn và thái độ sống của bạn sẽ tự tin và ít căng thẳng hơn so với lúc ban đầu. Hành động tiết kiệm sẽ được bạn thực hiện như một phản xạ có điều kiện.
Ai cũng có nỗi lo trong cuộc sống, nhưng những người có thu nhập khó khăn thì thường có nhiều cái để lo hơn. Và cũng chính tâm lý này sẽ khiến những người như vậy nhìn nhận vấn đề tiết kiệm như là một bài thực hành bất khả.
Điều mấu chốt là, hãy biết nhìn nhận và thấu hiểu hoàn cảnh cũng như thế giới riêng của mình, để biết cách tự giải tỏa áp lực cũng như tự nghiệm ra liệu pháp tích cực nhất cải thiện lại niềm vui cuộc sống.
Đức Phật cũng dạy rằng, nếu biết “thiểu dục và tri túc” (muốn ít và biết đủ) thì sẽ có một tâm ít tiêu cực và nhẹ nhàng hơn trong mọi hoàn cảnh. Bạn tập được như thế, thì cuộc sống của bạn không chỉ thực hành được việc tiết kiệm mà cũng sẽ bớt nặng nề hơn.
Làm thế nào để tiết kiệm chi tiêu ở thành phố? Mời bạn gửi bài viết chia sẻ đến email về [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.