Từ những vận động địa chất đã hình thành nên một dòng Mã giang độc đáo, từ bàn tay khéo léo sắp đặt của tự nhiên để ta có một Mã giang cảnh sắc hữu tình như đã có hôm nay. Và trên hành trình kiến tạo ấy, các thế hệ người dân xứ Thanh, bằng tài năng, sức sáng tạo của mình đã cùng nhau dệt nên những sắc màu văn hóa, tâm linh, điểm tô thêm nét hấp dẫn cho dòng sông.
Một vùng Hàm Rồng – Sông Mã.
Hành trình từ mảnh đất Mường Lát xuôi về TP Thanh Hóa, sông Mã tạo nên một lưu vực rộng lớn với nhiều phụ lưu chính như: sông Luồng, sông Lò, sông Bưởi, sông Chu… Chạm mặt dòng sông Mã một chiều tháng 5 nắng dát vàng con nước, lòng bồi hồi theo mạch trường ca “Hát nơi cửa sóng” (2018, Nxb Quân đội Nhân dân) của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm mà như tìm về cội nguồn lịch sử – văn hóa, tâm linh. “Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta”, có khi ta thấy nó chính như “sợi dây đàn căng từ thời tiền sử”, cũng có khi chỉ như “chiếc khăn cũ mèm lau mồ hôi hết thế hệ này sang thế hệ khác/ lau những ánh mắt mệt mỏi vật lộn trong cuộc mưu sinh/ lau những lưỡi cuốc lưỡi cày mẻ quằn mòn vẹt tìm về hạt lúa/ lau những khuôn mặt tàn tro đốt rơm đốt rạ sau mùa/ lau rạng lên những nụ cười khô cằn lem luốc”… Rồi bỗng khi, ta thấy dòng sông thân thuộc ấy tựa hồ đang mang trong mình muôn “tiếng nấc nghẹn của những con thác hắt lên da thịt/ những nỗi đau xé vào ruộng đất”… Ở cái nơi chôn nhau cắt rốn ấy, “trăm thác nghìn ghềnh cuộc xoáy vào tơ/ làng cong xuống dáng tre già trước tuổi/ tiếng gọi đò khuya sạt cả đôi bờ/ con hến, con trai một đời nằm lệch/ lấm láp đất bùn đứng thẳng cũng nghiêng”…
Tìm về cội nguồn lịch sử – văn hóa, với dòng Mã giang, là hành trình đi qua các nền văn hóa cổ xứ Thanh, đúng như nhận định của cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ khi viết cuốn sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” (2019, Nxb Thanh Hóa): “Những trang sử đá chứng minh người nguyên thủy tối cổ trên miền đất xứ Thanh từ người vượn – vượn người đứng thẳng lên bằng hai chân và bắt đầu làm ra công cụ kỹ thuật rìu đá đầu tiên từ những mảnh bazan để lao động sản xuất. Công cụ được cải tiến dần qua các thời kỳ, các giai đoạn theo tiến trình lịch sử đồ đá rồi đồ đồng với nền văn minh Đông Sơn chói lọi, đều diễn ra hai bên bờ sông Mã”. Núi Đọ nằm bên bờ hữu ngạn, nơi hợp lưu giữa sông Chu và sông Mã. Nơi đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các di vật bằng đá như: rìu tay, công cụ chặt thô, hạch đá, mảnh tước… mang dấu ấn kỹ thuật ghè đẽo thô sơ của con người thời nguyên thủy. Vì lẽ đó, di chỉ núi Đọ được ví như “Công xưởng nguyên thủy” – nơi chứng kiến “buổi bình minh loài người” trên mảnh đất xứ Thanh. Dọc sông Mã người ta còn tìm thấy dấu vết tồn tại người nguyên thủy ở núi Nuông, núi Quan Yên (Yên Định), núi Nổ (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc). Trống đồng – Biểu tượng, “mặt trời” rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn cũng được tìm thấy tại ngôi làng cổ ven bờ sông Mã. Nhà bác học Nga nổi tiếng R.Yuvipperơ đã nhận định: “Từ buổi ban đầu của thời đại đồ Đá cũ, châu Âu cổ đại đã phải quay mặt về phương đông”. GS Sử học Phạm Huy Thông viết: “Người Việt cổ đã có thời làm chủ một cuộc sống huy hoàng với văn hóa Đông Sơn, với các vua Hùng. Di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã chứng tỏ tài năng xuất chúng về phát minh và đúc trống đồng văn minh hơn Âu Châu ngang thời của người Việt cổ”.
Không chỉ là nơi lưu dấu vết thời Tiền sử – Sơ sử, sông Mã ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại, oai hùng suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bao bom đạn đã chìm sâu vào lòng sông, cùng với đó là bao máu đào nhuộm sắc, bao cuộc đời hy sinh, bao tuổi xuân nằm lại bên dòng sông ấy. Hàm Rồng – sông Mã đã trở thành huyền thoại, nơi ghi dấu bao chiến công oai hùng của một thời kiên cường, anh dũng chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân.
Ngược xuôi sông Mã, trên hành trình lịch sử – văn hóa – tâm linh ấy, mỗi người sẽ không khỏi thích thú, hào hứng khi rảo bước ghé thăm, vãn cảnh, dâng hương tại những ngôi đền, chùa, miếu, phủ linh thiêng.
Đền Chầu Đệ Tứ (Hà Trung) soi bóng bên dòng sông Lèn (phân lưu của sông Mã).
Về Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa), những vị khách không chỉ được thả hồn mình trong cảnh sắc làng quê yên ả, thanh bình mà còn được tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử – văn hóa tại địa phương: đền thờ Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân, đình Phượng Mao, chùa Vĩnh Phúc (chùa Gia)… Trên triền đê lộng gió, chùa Gia như điểm nhấn trong bức tranh tổng thể làng, xã. Chùa hướng mặt nhìn ra sông Mã, xa xa ẩn hiện dãy Long Hạm (Hàm Rồng). Sự hình thành và phát triển của ngôi chùa gắn liền với những huyền thoại, dã sử về cuộc đời và sự nghiệp của vua Quang Trung. Theo các cụ cao niên trong làng: Khi vua Quang Trung đem quân từ Phú Xuân tiến ra Bắc đại phá quân Thanh, trong cuộc hành quân thần tốc ấy, vị anh hùng dân tộc có đi qua các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để chiêu mộ thêm dân binh, lương thảo. Trên các trạm trú quân lúc bấy giờ, đại quân có dừng chân tại làng Vĩnh Gia để nghỉ ngơi và nhận tiếp tế lương thực.
Trước tác động của thời gian, biến động lịch sử, chùa Gia cũng đã trải qua trùng tu, tôn tạo. Đến nay, chùa Gia không còn giữ được kiến trúc xưa nhưng chỉ riêng diện mạo ngày càng khang trang của ngôi chùa cũng cho thấy sức sống bền bỉ cùng tinh thần, ý thức, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các thế hệ cháu con nơi đây. Cuốn sách “Chùa xứ Thanh” (tập 1) miêu tả chi tiết: Chùa kết cấu hình chữ Đinh, có tiền đường và thượng điện, nhà thờ mẫu, thờ tổ. Chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: tượng Phật, tượng Mẫu, kiệu, bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ tự. Hằng năm, tại chùa Gia, Nhân dân làng Vĩnh Gia thường tổ chức Lễ hội Kỳ Phúc vào ngày 8-2 âm lịch. Lễ hội có đám rước rất lớn, cờ lọng phấp phới… Lễ hội bắt đầu từ đền Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân với các lễ kính yết, rồi rước kiệu long đình, bát cống, võng men theo triền đê bờ bắc sông Mã xuống chùa Gia chiêm bái, thắp hương lễ phật cầu an, sau đó tiếp tục rước quanh làng…
Sông Mã – con sông của lịch sử- văn hóa, tín ngưỡng – tâm linh ấy đã trở thành mạch nguồn cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung làm nên tác phẩm ấn tượng, chạm đến cảm xúc, rung động trái tim độc giả nhiều thế hệ: “Hỏi sông ngàn năm tuổi/ ai mang hồn quê ra biển/ ai mang khát vọng cha ông vượt ghềnh thác lên nguồn/ ba mươi sáu bến thương, mười hai bến nhớ là đâu?”… Chẳng thể thống kê hết trên dọc dài hành trình sông Mã khi từ phía thâm u thượng ngàn đến khi xuôi về tình tự trong lòng TP Thanh Hóa trước khi đổ ra biển có bao nhiêu ngôi chùa, đền, miếu, phủ… Nhưng có lẽ, mỗi một vùng đất, địa phương mà sông Mã đi qua đều ghi dấu ấn của những cơ sở thờ tự, tín ngưỡng – tâm linh như thế. Ở mỗi chặng hành trình, sông Mã kiến tạo nên bờ bãi xanh tươi, xóm làng trù phú. Để rồi, lớp lớp thế hệ cháu con của làng, xã đã cùng chung tay góp sức, bằng tâm huyết, trí tuệ, sức sáng tạo của mình mà dệt nên bức tranh kinh tế, văn hóa – xã hội độc đáo, hòa vào dòng sông.
Nguyên Linh