Tân sinh viên nhận học bổng tiếp sức đến trường tại Huế – Thực hiện: THANH NGUYÊN – NHÃ CHÂN – DIỄM HƯỜNG
Vượt 300 cây số về TP Huế trong niềm vui được chọn trao học bổng
7h sáng, tại TP Quảng Ngãi những tân sinh viên ở Quảng Ngãi nhận học bổng Tiếp sức đến trường bắt đầu hành trình 300 km ra TP Huế dự và nhận học bổng.
Các tân sinh viên Nguyễn Thị Kim Ngân, Dương Thị Kim Duyên, Bùi Thị Minh Thư, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Thị Quỳnh Thư có những cuộc đời khác nhau nhưng chung cảnh khốn khó. Bạn nào cũng đã nỗ lực tột cùng mới có thể bước vào giảng đường. Khoảng 1 tuần trước, các sinh viên khó khăn ở Quảng Ngãi nghe tin mình được nhận học bổng, bạn nào cũng vui.
Kim Ngân trên đường đi đã say xe nhưng vẫn vui. Ngân kể sinh ra 18 tháng tuổi thì mẹ mất vì bệnh tim, đến khi 3 tuổi, ba cũng qua đời vì bướu cổ biến chứng. Ngân ở cùng ông bà nội và cô ruột. Rồi ông bà cũng rời khỏi cuộc đời này.
“Mình bắt đầu ở với cô ruột từ năm học lớp 7. Mỗi lần xin tiền mua tập vở hay học thêm, dù làm nông vất vả nhưng cô luôn dành những gì tốt nhất cho mình. Điều đó khiến mình nỗ lực nhiều hơn”, Ngân tâm sự.
Ngân chọn ngành Sư phạm Ngữ văn – Trường đại học Phạm Văn Đồng một phần vì thấy hoàn cảnh khó trụ lại ở các thành phố lớn, phần khác vì ở gần nhà có thể đỡ đần, giúp đỡ cô.
Còn Nguyễn Thị Trang vào lớp 1 thì mẹ qua đời, ba cũng tai biến. Sau cuộc “đổi thay” ấy, Trang về ở cùng ông bà ngoại, em trai về ở cùng bà nội. Mãi đến năm lớp 9, Trang mới qua về nhà ở cùng bà nội, bà và em trai. Cuộc sống cực kỳ khó khăn, ba không thể đi làm, cuộc sống của gia đình dựa vào nguồn trợ cấp xã hội.
Trang đậu Trường đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng, học được 2 tuần thì quyết định về học tại trường Cao Đẳng y tế Đặng Thùy Trâm. Trang bảo rằng cô muốn theo đuổi ngành tâm lý học, nhưng tính đủ đường thấy về quê học gần nhà để chăm ba và em trai vẫn là điều quan trọng nhất.
Quỳnh Thư, tân sinh viên Trường đại học Phạm Văn Đồng, có một câu chuyện buồn, trước thi tốt nghiệp THPT một tuần thì mẹ mất.
“Mẹ đã trải qua giai đoạn điều trị ung thư dài, ba làm nông nhưng phải nghiỉ việc để theo mẹ chữa bệnh. Mẹ mất thì nhà chẳng còn gì ngoài nợ nần. Tôi rất vui khi nhận học bổng để botws khó khăn trược mắt. Lâu dài, sẽ tìm việc làm thêm”
Người mẹ nuôi con và nuôi chồng tâm thần thức trắng đêm qua
Lặn lội hơn 30km từ miệt biển xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đến TP Huế để cùng con chờ nhận học bổng, bà Lê Thị Vân (mẹ của tân sinh viên Lê Thị Thu Lài) nói rằng mình gần như thức trắng đêm qua.
Bà Lài có chồng đang điều trị bệnh tâm thần, một mình bà vất vả với 5 sào lúa để vừa lo thuốc men cho chồng, vừa nuôi Lài ăn học. Đôi lúc bệnh tình của chồng trở nặng, kinh tế trong nhà gần như khánh kiệt.
“Hay tin con được chương trình Tiếp sức đến trường trao học bổng, tui vui không ngủ được. Đêm qua tui gần như thức trắng, chỉ chờ đến chiều để cùng con đến nơi nhận học bổng”, bà Vân nói.
Với gia đình bà Vân, số tiền 15 triệu đồng là một khoản tiền rất lớn. Học bổng đến với Lài và gia đình bà Vân như một món quà sưởi ấm gia đình nghèo miền biển ấy.
Cô gái 4 lần đeo tang Lê Thảo Duyên: Tất tả đi nhận học bổng từ chỗ làm thêm
Trưa 9-10, TP Huế đổ mưa, Lê Thảo Duyên – tân sinh viên Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học Huế – đội mưa vào điểm trao học bổng.
“Vì đây là ngày làm thêm đầu tiên, tôi không thể xin chủ quán cho về sớm được. Vừa tan ca, tôi chạy đến điểm trao học bổng luôn. May là kịp lúc”, Duyên nói.
Thảo Duyên có cuộc đời rất buồn và đầy nghị lực phi thường mà nhiều bạn đọc đã biết qua bài viết “Một cuộc đời đau như phim, “nhân vật chính” hôm nay trúng tuyển ba trường đại học”. Cô đã 4 lần đeo tang đưa tiễn người thân yêu.
Nhập học xong, Duyên vội đi kiếm việc làm thêm ở Huế. Cô kể đã tìm được một lớp dạy thêm với 10 học sinh và hai lớp dạy gia sư với 4 học sinh nữa. Cô dạy Văn, Tiếng Việt và luyện chữ cho các cháu.
“Sau khi sắp xếp việc học và dạy thêm, tôi thấy còn thời gian rảnh nên trao đổi với một bạn làm gia sư khác và xin thêm việc làm phục vụ quán cà phê. Hai tụi em đảm trực một ca ở quán cà phê và chia tiền của ca đó. Dù mỗi giờ chủ quán trả 15.000 đồng, nhưng cũng ổn, có thêm tiền vẫn hơn”, Duyên nói.
Dù đến muộn, Duyên cũng kịp trò chuyện với các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác. Nghe chuyện của các bạn, Duyên bảo rằng ai cũng khổ cả, giờ ai cũng mong nỗ lực để thoát cuộc sống khó khăn đã trải qua.”
Tôi rất vui khi nhận học bổng, ở đây tôi nhìn thấy những cuộc đời giống mình. Biết học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đã lâu, lần đầu tôi dự trực tiếp và thấy thật ý nghĩa”.
Phụ huynh Huế đội mưa đi 30 km đến lễ nhận học bổng cùng con
Thừa Thiên – Huế chiều 9-10 mưa lớn, nhiều phụ huynh đã đội mưa tới tham dự lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường.
Chạy xe hơn 30km từ huyện Phú Lộc về với chương trình, ông Phan Văn Dảnh và con gái Phan Thị Mỹ Linh háo hức chờ đến giờ nhận học bổng thay con là tân sinh viên Phan Thị Mỹ Tâm. Tâm cấn lịch học quân sự nên chiều 9-10 không thể đến.
Ngồi ở hàng ghế cuối quan sát bạn bè của con, ông Dảnh nói: “Nếu biết đến học bổng sớm hơn thì 4 năm trước tôi bớt chạy vạy trong mùa con nhập học”.
4 năm trước người cha gà trống nuôi con này cũng lo lắng khi con gái Phan Thị Mỹ Linh bước vào cánh cổng đại học. “Nghe báo tin nhận học bổng, 3 cha con tôi vui lắm, nên dù con gái không dự được, tôi và chị nó cũng nhất định phải đến tham dự cho biết” – ông Dảnh nói.
Một người mẹ cũng đi hơn 30km bằng xe buýt từ xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc về chương trình là chị Lê Thị Kim Thương. Chị Thương là phụ huynh tân sinh viên Học viện Ngoại giao Phạm Thị Thanh Cẩm. Một tháng trước, chồng chị Thương qua đời sau thời gian dài chống chọi bệnh ung thư bỏ lại vợ cùng 3 đứa con đang tuổi ăn học. Dồn dập gánh nặng trên một thời gian ngắn, chị phập phồng nỗi lo tài chính.
Khi Tiếp sức đến trường gọi điện đến thông báo về suất học bổng của con gái, cả nhà rất mừng. “Con gái điện thoại về nói mẹ nhất định phải đi dự thay con. Sáng nay cháu cũng điện về nhắc”, chị cho hay.
Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Huế và Quảng Ngãi – Thực hiện: NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN – TRINH TRÀ
21 năm bền bỉ giúp đỡ tân sinh viên Huế khó khăn
Tổng kinh phí lễ trao học bổng là hơn 1,5 tỉ đồng, do Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần ô tô Đô Thành tài trợ (mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt).
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 2 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.
Năm 2024, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần ô tô Đô Thành tài trợ 26 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Ngãi với tổng kinh phí 400 triệu đồng, trong đó có 9 tân sinh viên đang theo học tại Huế, Đà Nẵng.
Hôm nay có 82 tân sinh viên dự lễ trao học bổng. Còn 17 tân sinh viên Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi khác sẽ được trao tại TP.HCM.
Thừa Thiên Huế là điểm trao thứ tư trong chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2024 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 593 của báo Tuổi Trẻ.
Tham dự và trao học bổng cho các tân sinh viên có bà Nguyễn Thị Hương, ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ. Về phía chính quyền địa phương có ông Nguyễn Tân – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, anh Nguyễn Thanh Hoài, bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế.
Về phía nhà tài trợ có PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chủ nhiệm CLB Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế, cùng các thành viên trong câu lập bộ. Ông Quách Đạo Quang – quản lý cơ sở Anh Văn Hội Việt Mỹ tại Huế.
Học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2024 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.100 suất học bổng tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống 20 năm đi tìm ‘tiền’ hỗ trợ sinh viên: Mong các em sẽ ‘trả nợ’ ân tình cho tương lai chính mình
Từ năm 2008 đến nay, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống điều hành Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế, và đi “gom” từng phần học bổng cho sinh viên nghèo.
Ông kể, mỗi năm nhận lo kinh phí học bổng là một lần lo. Trong thư kêu gọi và email gởi các học trò của mình và nhà hảo tâm, thầy Tống rất lo lắng sẽ không đạt được số học bổng như năm ngoái vì kinh tế khó khăn, bão lũ ảnh hưởng.
“Gom được 83 suất học bổng cho tân sinh viên của tỉnh Thừa Thiên Huế năm nay tôi nhẹ nhõm đi rất nhiều. Tôi phải rà đi rà lại hồ sơ sinh viên, phần vì sợ sót lọt trường hợp khó khăn nhất để hỗ trợ các em” – thầy Tống nói.
Nắm chắc từng phần đóng góp, thầy Tống vừa biết hoàn cảnh của từng sinh viên mà cũng nắm tình hình của từng nhà hảo tâm. Thậm chí đóng góp của từng học trò cũ ông đều ghi chú rõ. Bởi đó là nguồn lực dự phòng cho ngọn chương trình Tiếp sức đến trường “cháy” dài lâu.
Nhiều năm đi trao học bổng, thầy Tống kể có người hỏi ông “sao không làm suất học bổng cho vay?”.
“Tôi cũng trăn trở, nhưng khi nghĩ lại tôi cho rằng việc cho vay để học tập đã có Nhà nước lo. Học bổng tôi đi xin là sự cho đi. Tôi mong muốn các em không nợ tôi gì hết, mà hãy trả lại cho tương lai. Nợ ân tình không phải là tiền. Ân tình này tôi mong muốn các em trả lại cho thế hệ mai sau” – thầy Tống nói.
Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế là nơi tập hợp những người con xa quê, những người bạn yêu mến quê hương xứ Huế… mong muốn được trở về tiếp sức, đồng hành thắp lửa cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà.
Chương trình “Tiếp sức đến trường” ở Huế đã trải qua 21 năm với tinh thần người đi trước nâng bước người đi sau đã tạo nên những giá trị nhân văn hết sức sâu sắc cho chương trình “Tiếp sức đến trường” tại Thừa Thiên Huế.
Cách đây 20 năm, từ 6 tân sinh viên của Thừa Thiên Huế có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế đã tiếp sức cho 1.524 cho tân sinh viên với tổng kinh phí học bổng hơn 15 tỉ đồng.
Bên cạnh hỗ trợ suất học bổng nhiều thành viên của Câu lạc bộ còn nhận nuôi, hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, phương tiện đi lại, việc làm… cho tân sinh viên xa nhà.
Cũng trong năm 2024 này, chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên còn được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung bộ.
* Tuổi Trẻ Online đang cập nhật
Nguồn: https://tuoitre.vn/song-huong-chao-don-tan-sv-duoc-tiep-suc-den-truong-me-ngheo-thuc-trang-dem-cho-sang-20241008123420685.htm