Gần 500 ngày theo sát sông Hồng
Sông Hồng với chiều dài 556 km chảy qua địa phận Việt Nam – là nguồn thủy lợi đối với nền nông nghiệp ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, đóng vai trò quan trọng về thủy điện, môi trường và giao thông vận tải đường thủy. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sông Hồng ngày càng biến đổi với những dấu hiệu bất thường theo chiều hướng tiêu cực tuy nhiên điều này chưa được các Bộ, ngành và các địa phương, nơi có sông Hồng chảy qua quan tâm đúng mức.
Sau khi nhận thấy sự biến đổi bất thường của sông Hồng là một vấn đề rất lớn, có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, biên tập viên Anh Tuấn và quay phim Sỹ Thanh đã lên kế hoạch, triển khai thu thập thông tin, thâm nhập thực tế trong một thời gian dài, gần 500 ngày ghi hình tại nhiều địa phương ở miền Bắc nơi có con sông Hồng chảy qua để thu thập bằng chứng về “nỗi đau” mà con sông Mẹ đang phải hứng chịu từ những tác động trực tiếp của con người.
Biên tập viên Anh Tuấn chia sẻ, trong quá trình tác nghiệp, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là hiện tượng đổ phế thải, trạc thải để lấn và lấp sông Hồng ở một số địa bàn ven sông, nhất là khu vực nội thành đang diễn ra phức tạp với nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi khiến một số vị trí lòng sông bị lấn chiếm và thu hẹp đáng kể.
Nạn đổ phế thải lấn chiếm bãi sông Hồng đã xảy ra từ lâu, tuy nhiên vấn đề này chưa được cảnh báo đúng mức. Đằng sau mỗi chuyến xe đổ phế thải là một câu chuyện phức tạp với cả một ổ nhóm thực hiện hành vi này, họ không phải người dân bình thường, đó là những đối tượng xã hội, có hiện tượng bảo kê. Để ghi lại những hình ảnh này, không hề dễ dàng vì việc này chỉ diễn ra ở một số thời điểm, không thường xuyên, địa điểm ở khu vực xa xôi, quây rào tôn kín, các đối tượng nuôi nhiều chó dữ, tiếp cận hiện trường là vô cùng khó khăn.
“Chúng tôi phải theo dõi sát sao, mất nhiều thời gian nằm vùng. Quay phim Sỹ Thanh bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, không ngại hiểm nguy, vượt qua nhiều khó khăn đã vào vai và đi theo xe chở phế thải để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về nạn đổ trạc thải trái phép lấn sông Hồng” – nhà báo Anh Tuấn kể lại.
Bên cạnh đó hoạt động xây dựng trái phép nhà xưởng lấn chiếm bãi sông Hồng, vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng gia tăng cả về quy mô, tính chất lẫn mức độ vi phạm. Dù chưa có thống kê đầy đủ về diện tích đất bãi bị san lấp nhưng thời gian qua, tình trạng đổ thải trái phép diễn ra tại nhiều địa bàn nhiều phường như Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ, Ngọc Thụy… khiến nhiều vị trí, lạch sông Hồng bị trạc thải xâm chiếm nham nhở. Lạch sông bị lấp đến đâu… thì nhà xưởng xây dựng trái phép lại tiến ra sát đến đó.
“Không hiểu bằng cách nào, những đối tượng vi phạm có thể tồn tại và hoạt động thường xuyên liên tục trong nhiều năm qua trên dải bãi đất đó. Chúng tôi nhập vai những người đi thuê nhà và phát hiện ra lợi nhuận “khổng lồ” của các ông chủ nhà xưởng ở đây” – nhà báo Anh Tuấn cho hay.
Sông mẹ trở nên hung dữ
Trên bờ sông thì bị lấn chiếm. Còn dưới lòng sông – là cát, một loại khoáng vật ngày càng đắt giá trong “cơn khát” vật liệu xây dựng. Nên hoạt động khai thác cát lúc nào cũng diễn biến phức tạp. Đây được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến lòng dẫn sông Hồng biến dạng và tụt thấp theo thời gian. Lòng sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, chỉ một khúc sông, hiện có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. 1 tàu hút thì có 3 – 4 tàu chờ ăn hàng. Tàu này rời đi, lập tức tàu khác lại tấp vào. Cả khúc sông chẳng khác nào một đại công trường.
Biên tập viên Anh Tuấn xót xa: “Khi lòng dẫn sông Hồng bị biến dạng dẫn đến dòng chảy thay đổi thì đây là một minh chứng rõ ràng nhất. Với tốc độ sạt lở khủng khiếp đến như vậy đã khiến cho hàng trăm hộ dân sống ở phía bên trong đang ngày đêm sống trong sợ hãi”.
Đất đai lở xuống sông bao nhiêu, lòng sông lại tiến sát vào nhà dân bấy nhiêu. Cuộc “xâm chiếm” của dòng chảy sông Hồng bỗng dưng đẩy nhà cửa, đất đai của người dân đứng trước nguy cơ trôi sông. Nhiều địa bàn, vị trí nhà dân gần nhất cách điểm sạt lở chỉ còn 25m. Và thực tế chẳng còn là nguy cơ nữa, tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, bờ sông Hồng sạt lở trong phút chốc đã đẩy nhiều hộ gia đình lâm vào bi kịch, khi bất đắc dĩ thành người vô gia cư. Đó là hộ gia đình nhà anh Vạn có 5 thành viên chỉ có duy nhất mảnh đất cắm dùi. Nay căn nhà dần lở xuống sông, anh Vạn đành dựng căn lều tạm để sống qua ngày. Đó là gia đình nhà bà Nguyễn Thuý Liễu, Khu Bồng Lạng, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, khi cả cuộc đời xây được căn nhà, đến cuối đời mất nhà. Không có nỗi đau nào bằng!
“Người dân ở đây chẳng bao giờ họ nghĩ lại có một ngày lâm vào cảnh mất nhà mất cửa chóng vánh đến như vậy. Sự biến đổi của dòng chảy sông Hồng đã đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của người dân chứ không còn là cảnh báo nguy hiểm ở trên những tấm biển nữa” – nhà báo Anh Tuấn xúc động.
“Vạn suối trong, riêng khác một dòng/Nước như son thắm gọi sông Hồng/Dọc bờ cát mịn màu tươi đỏ/Bến bãi sông ngòi cũng sắc chung” (Thơ Nguyễn Quang Bích). Rõ ràng “Hồng giang” trong thơ ca thật đẹp, thơ mộng và tươi thắm với hình ảnh nước thắm như son, dọc đôi bờ cát đỏ, bến bãi cũng vậy, chất phù sa màu mỡ. Nhưng giờ đây, sông Hồng đang trở nên giận dữ, hung hăng bởi những tác động tiêu cực của con người.
“Nỗi đau của sông mẹ” thực sự là một hồi chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý, các Bộ ngành và địa phương cần có đánh giá, nhìn nhận và quan tâm vấn đề Sông Hồng một cách đúng mức và sát sao hơn.
Hoàng Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/song-hong-da-khong-con-dep-nhu-trong-tho-ca-post299600.html