El Nino lần này được dự báo đến 90% sẽ kéo dài hết năm 2024 và khả năng cao sẽ có cường độ mạnh, nắng nóng và khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng và gay gắt. Tại VN, nhiều nơi được dự báo lượng mưa có thể thiếu hụt 20 – 50%, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo nhiều chuyên gia, các hiện tượng El Nino hay La Nina cứ lặp đi lặp lại theo chu kỳ nên phải học cách sống chung, thậm chí khai thác hiệu quả những thuận lợi về mặt tự nhiên và chuỗi hàng hóa của mình.
Gạo, cà phê lợi thế xuất khẩu giá cao
Trong những ngày cuối tháng 5, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN cận mốc 500 USD/tấn, nhiều người đã nói rằng đây là mức giá lịch sử. Tuy nhiên đến nửa cuối tháng 6, giá gạo tiếp tục tăng thêm 10 USD lên đến 508 USD/tấn. Tương tự, gạo 25% tấm đạt mức 483 USD/tấn, cao hơn tới 10 USD so với giá bán gạo 5% của VN vào thời điểm tháng 2.2023. Còn so với đầu năm, giá gạo đã tăng bình quân 30 – 40 USD/tấn.
Cũng lên cơn sốt giống như gạo, thời điểm giữa tháng 6.2023, giá cà phê ở các tỉnh Tây nguyên xoay quanh mốc 64.000 – 65.000 đồng/kg, mức giá mà nhiều người trong ngành gọi là “lịch sử và không tưởng”. Đến đầu tuần này, giá tiếp tục tăng, đạt mức 65.500 – 65.800 đồng/kg. Có doanh nghiệp thậm chí chấp nhận 70.000 đồng/kg cũng phải mua để trả hợp đồng đã ký. Trên 2 sàn giao dịch lớn là London (Anh) và New York (Mỹ), giá vẫn tiếp tục tăng dù đã ở mức cao lịch sử trong vòng 12 – 15 năm qua. Một số doanh nghiệp thông tin tại thị trường VN, giá cà phê vụ mới vào cuối năm nay được chào lên tới 52.000 – 53.000 đồng/kg – bình thường, giá 47.000 – 48.000 đồng/kg là nông dân đã rất hài lòng.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), nhận định: Từ nay đến cuối năm, giá gạo và cà phê sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, giá gạo đã ở mức cao rồi nên sẽ tăng nhưng không nhiều, còn giá cà phê tăng đến đâu cũng không thể nói trước vì thị trường này có nhiều yếu tố phức tạp. Đây là 2 mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong năm nay vì nguồn cung thiếu hụt mà nhu cầu tiêu thụ cao.
Cụ thể với cà phê, Brazil đang vào vụ thu hoạch nhưng vẫn không đủ hàng để giao. Còn đối với mặt hàng gạo của VN, chỉ tính riêng nhu cầu từ các khách hàng truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… ước tính tăng hơn 1 triệu tấn. Các nước tăng thu mua và dự trữ lương thực vì lo ngại tác động tiêu cực của El Nino làm nguồn cung càng thêm khan hiếm trong thời gian tới. “Với giá rất tốt như hiện nay, bà con nông dân sẽ đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, lợi thế lớn của VN là sử dụng các giống ngắn ngày nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ thuận lợi”, ông Nam cho hay.
Thủy sản chịu nhiều tác động
Ngược lại, ngành thủy sản lại chịu nhiều tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan. TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty FIMEX VN, phân tích: Trong 2 lần El Nino diễn ra thì ngành tôm đều đối mặt với dịch bệnh lớn. Giai đoạn năm 2015 là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Đến đợt El Nino năm 2019 xảy ra bệnh vi bào tử trùng. Đây chỉ là một sự trùng hợp hay có sự liên hệ mật thiết nào không thì phải nghiên cứu thêm. Nhưng như những gì chúng ta biết mỗi lượt El Nino diễn ra, dòng hải lưu đã làm thay đổi môi trường sống của thủy sinh ven biển, có thể làm giảm hoặc tăng các thủy sinh khác nhau, có cả vi khuẩn.
Mặt khác, khi El Nino diễn ra, chắc chắn xâm nhập mặn sẽ vào sâu và điều này dẫn đến 2 kịch bản: Đối với con tôm, vùng nuôi có thể mở rộng và việc sản xuất thuận lợi. Ngược lại là tác hại đến vùng nuôi cá tra như chậm lớn, thậm chí màu sắc thịt cũng không như mong muốn. Đợt năm 2019, một số vùng nuôi cá phải chuyển về thượng lưu. Nếu đợt El Nino này nghiêm trọng hơn năm 2019 thì tác động sẽ lớn hơn rất nhiều. Đây là điều các hộ nuôi cá cần chú ý và chuẩn bị tinh thần ứng phó. “El Nino còn nhiều tác hại chiều sâu khác nữa, thí dụ như ngành khai thác biển có thể bị ảnh hưởng do các đàn cá dịch chuyển… Chúng ta cần dự đoán, dự tính các tình huống để “né” kịp thời các tác hại và tranh thủ cơ hội”, ông Lực khuyến cáo.
Chủ động thích ứng
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, nêu quan điểm: “El Nino đã bắt đầu. Chúng ta chưa biết độ mạnh đến đâu, nhưng ngành nông nghiệp và bà con nông dân nên bắt đầu quan sát chặt chẽ tình hình để có thể ứng phó kịp thời”. Trước mắt, đối với vùng lũ đầu nguồn như Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, việc đầu tư cho mùa vụ canh tác và sinh kế dựa vào mùa lũ sắp tới nên dè dặt, khả năng cao là lũ thấp. Sang mùa khô 2024, vấn đề chính sẽ là rủi ro hạn mặn gay gắt ở vùng ven biển và hàng loạt hệ lụy kéo theo.
Còn nhớ El Nino xảy ra vào mùa mưa 2015 khiến lượng mưa trong lưu vực Mê Kông rất ít và mùa lũ 2015 rất thấp. Sang đến mùa khô 2016 thì sông Mê Kông rất yếu, khi đó thủy điện đã tích nước để phát điện gián đoạn, làm cho tình hình hạn mặn rất gay gắt, đã gây thiệt hại 160.000 ha lúa mùa khô ven biển. Điều đó chứng tỏ công trình ngăn mặn không có tác dụng nhiều trong những năm hạn mặn cực đoan như thế.
“Cách thích ứng tốt nhất là chủ động né hạn mặn bằng cách điều chỉnh lịch thời vụ theo kinh nghiệm của các tỉnh ven biển hồi mùa khô 2020. Các cộng đồng ven biển cần chủ động tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô 2024”, ông Thiện khuyến cáo.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định: Đối với VN, ĐBSCL là vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu cũng như các hiện tượng thời tiết nói chung. Đây lại là khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất VN và có ý nghĩa lớn với thế giới. Vì vậy, Cục cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đi khảo sát thực tế để có kế hoạch ứng phó phù hợp. Trên cơ sở xem xét những tác động của 2 đợt El Nino gần đây là 2015 – 2016 và 2019 – 2020, sẽ xem xét việc điều chỉnh diện tích, cơ cấu giống, mùa vụ sao cho phù hợp để tránh thiệt hại và đảm bảo lương thực để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngoài vùng trọng điểm ĐBSCL, Cục cũng thành lập các tổ công tác đặc biệt để xây dựng kế hoạch ứng phó cho khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây nguyên.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)