Khoảng 7 năm trước, chúng tôi đến Sơn La vào một chiều tối muộn, đường từ Hà Nội lên Sơn La hết 6, 7 tiếng đồng hồ và không hề dễ đi. Núi đá đường ngoằn ngoèo, đèo dốc liên tục nhưng đến nơi thời tiết se lạnh khiến chúng tôi có cảm giác rũ bớt được một nửa mỏi mệt. Vì trên xe có anh bạn học ở Sơn La nên chúng tôi khá dễ dàng tìm được quán ăn ngon. Chúng tôi ăn uống nhiệt tình và nói chuyện vui vẻ. Có một điều tôi nhận thấy ở đây là mọi người đều nói tới cà phê Sơn La. Đúng là trên đường đi, tôi khá ngạc nhiên khi thấy trên những vạt đồi trồng rất nhiều cà phê, hỏi ra toàn cà phê Arabica.
Hồi ấy Phúc Sinh đang có 2 nhà máy cà phê ở Đắk Lắk và Bình Dương – những nơi luôn phải cạnh tranh mua nguyên liệu dữ dội – trong khi ở đây chưa có nhà máy nào cả, thế là chúng tôi làm một chuyến khảo sát kỹ lưỡng về vùng đất này, diện tích giống và đặc biệt là thử uống cà phê. Chúng tôi tìm cách mua hạt xanh, rang mộc rồi pha uống. Cà phê ngon và tôi bị thuyết phục ngay.
Diện tích cây cà phê ở đây đủ lớn để xây nhà máy và đặc biệt tôi thích mùi vị cà phê Sơn La. Tuy nhiên tôi giữ ý này cho riêng mình và chưa chia sẻ với ai cả. Có lẽ nếu làm, chắc chắn chúng tôi sẽ mua đất và xây nhà máy. Nhưng những thứ đó chỉ lãng qua đầu tôi rồi bay mất, tôi vẫn chưa quyết định gì…
Buổi tối chúng tôi rời Sơn La và đi tiếp lên thị trấn Sa Pa của Lào Cai, một nơi tôi cũng chưa bao giờ đi tới. Sa Pa nhộn nhịp và khá lộn xộn. Đường sá sử dụng nhiều mà chưa tu sửa kịp thời, có những hố lớn trên đường trong thị trấn, tuy nhiên Sa Pa lạnh và bạn biết đấy, lạnh mà ăn thịt nướng uống bia thì rất ngon. Chúng tôi dành 1,5 ngày ở Sa Pa đi thăm thú và buổi tối đó chúng tôi ngồi nói chuyện. Vì là bạn chơi với nhau từ thời cấp 3 nên chúng tôi rất vui và chia sẻ khá thẳng thắn, tôi hỏi bạn có muốn làm chủ và lên Sơn La xây nhà máy không. Thật bất ngờ bạn gật đầu. Thực ra bạn làm ngân hàng đã 22 năm và cũng lên chức Giám đốc khu vực phía Bắc. 22 năm làm ngân hàng từ lúc ra trường, giờ nghe tôi “xúi” mà bỏ ngân hàng cái một thì cũng rất dũng cảm chứ chả đùa.
Nhưng cuộc sống mà, mọi người phải lựa chọn cho mình muốn gì trong cuộc sống! Và thực ra trước khi lựa chọn thì tất cả trong chúng ta đều nâng lên đặt xuống chán chê rồi.
Sau khi có cái gật đầu ấy tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Chúng tôi mang cà phê Sơn La vào Sài Gòn rang và thử nếm. Chúng tôi liên tục cử người từ Sài Gòn ra Sơn La để khảo sát và tìm hiểu. Thật may chúng tôi kết nối được với lãnh đạo tỉnh Sơn La, lúc đó là anh Hoàng Văn Chất – Bí thư Tỉnh ủy. Anh Chất cũng là người đã cùng với các cán bộ tỉnh Sơn La vào dự các lễ hội cà phê Tây Nguyên tìm nhiều nhà đầu tư trong Nam mời họ ra đầu tư cho cà phê Sơn La. Nhân duyên chúng tôi hội ngộ, thế là giải quyết được khâu khảo sát vùng trồng để xây nhà máy.
Trong quá trình xây dựng dự án, văn phòng tôi lựa chọn các nhà thầu và lựa chọn bên nào sẽ cung cấp máy móc? Một ý nghĩ lóe lên trong tôi là sao không dùng máy móc từ Colombia và Brazil, cũng như kỹ sư từ nơi đó. Vì dây chuyền của Brazil và Colombia đều nổi tiếng trong ngành cà phê thế giới và họ cũng đã lắp đặt máy móc tại Việt Nam. Mua máy móc công nghệ của họ thì chúng ta sẽ dễ dàng có sản phẩm tốt, bán hàng cũng dễ dàng hơn.
Thế là chúng tôi bắt tay vào tìm kiếm các địa chỉ liên hệ. May sao tôi có quen với một anh người Mỹ đang làm việc tại Việt Nam, anh ấy giới thiệu cho tôi tên cũng như địa chỉ hãng để liên hệ. Mọi thứ nhanh hơn tôi tưởng và cuối cùng chúng tôi chọn máy móc, kỹ sư, công nghệ từ Colombia đến Sơn La để thực hiện dự án.
Phải nói khi thực hiện dự án này, chúng tôi gặp rất nhiều ý kiến trái chiều từ cả nội bộ và bên ngoài. Một số công ty sơ chế cà phê Sơn La khi nghe thấy chúng tôi đầu tư thì không thích, thậm chí có động thái cản trở. Họ nói về nhiều rào cản khó khăn và còn gọi cho chúng tôi hàng giờ để thuyết phục chúng tôi không nên đầu tư. Vì họ đang làm trên vùng đất Sơn La, nên họ nói những câu chuyện đó với nhiều lãnh đạo địa phương, khiến cho nhiều người lung lay suy nghĩ và nghi ngờ chúng tôi khi thực hiện dự án.
Lãnh đạo tỉnh lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất vẫn rất tin cậy chúng tôi. Anh Chất thúc đẩy mạnh mẽ nội bộ để chúng tôi có đầy đủ thủ tục pháp lý cần thiết nhanh chóng xây dựng nhà máy. 10 tháng sau từ lúc bắt đầu triển khai chính thức, chúng tôi đã khai trương nhà máy Cà phê Arabica Phúc Sinh Sơn La vào ngày 8/11/2018.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Sơn La và đại diện doanh nghiệp thăm nhà máy Cà phê Phúc Sinh Sơn La và dây chuyền chế biến cà phê nhập khẩu từ Colombia. Riêng hệ thống nhà xưởng sản xuất ở đây rộng 12.768 m2; Khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ với công suất xử lý 200 m3/ngày đêm. Các khu vực phụ trợ của nhà máy rộng 24.000 m2; văn phòng rộng 1.080 m2…
Ngày khai trương quả thật là một ngày hội lớn của tỉnh vì quá nhiều khách quốc tế cũng như bạn bè trong ngành cà phê đến hội tụ, chia vui. Chúng tôi tràn ngập niềm tự hào và tin chắc mọi thứ sẽ phát triển. Một vài người bạn cũng là những người mua hứa sẽ hỗ trợ mua hàng. Vài người mua sau khi tham quan toàn bộ nhà máy cũng như thử nếm sản phẩm bắt đầu có chút niềm tin và nói chúng tôi phải bán giá cao hơn giá hiện tại và tự tin vào điều đó vì chất lượng cà phê thực sự có cải tiến.
Dự án xây dựng nhà máy cũng cho thấy, nếu được ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh thì dù nhiều thứ khó khăn phức tạp, thiết bị nhập khẩu rồi con người ở nước khác nhau, cũng trở nên dễ dàng.
Tuy nhiên mọi thứ mới chỉ là bắt đầu.
Thực ra chúng tôi kinh doanh cà phê chủ yếu là Robusta, còn Arabica thì sản lượng và kinh doanh rất ít. Chất lượng Arabica ở phía Nam cũng phập phù thất thường và ít có niềm tin với khách hàng. Giá bán Arabica thường thấp vì họ không có niềm tin về chất lượng. Việc xây nhà máy riêng chuyên làm Arabica cũng là cách mà chúng tôi đảm bảo sự đồng đều về chất lượng.
Nhưng bán Arabica thì không dễ chút nào. Cà phê Arabica có lịch sử hàng trăm năm, là loại cà phê có chút kiêu kỳ, sang chảnh. Người bán cà phê Arabica phải hiểu rõ về nó, chăm sóc sản xuất thật cẩn thận và chu đáo. Cái này khá mới với chúng tôi. Dù Phúc Sinh đã mua dây chuyền và công nghệ của Colombia, kế thừa máy móc, quy trình sản xuất của họ, nhưng bắt tay vào sản xuất thì là cà phê Arabica của Việt Nam, với các đặc trưng riêng biệt chúng tôi phải học.
Cà phê Arabica Sơn La trước khi chúng tôi đến là loại cà phê giá rẻ, thậm chí thương lái ở đây còn nói họ phải mang Arabica Sơn La vào Tây Nguyên trộn với cà phê Robusta để bán vì khách hàng ít chấp nhận.
Với dây chuyền Colombia và nhà máy của Phúc Sinh, cà phê Arabica Sơn La ngon hơn, chất lượng hơn và đặc biệt là giá cao hơn Arabica chế biến theo cách cũ. Điều này vô cùng khó, bao nhiêu năm khách hàng đã mua với tập quán như trước, dễ gì chúng tôi được chấp nhận. Và thế là chúng tôi bị cô lập, chẳng những các thương lái hay các nhà sản xuất lâu năm mà người mua cũng không ủng hộ. Họ cô lập vì chúng tôi đã phá vỡ truyền thống giá rẻ.
Năm đầu tiên có 3 tháng sản xuất không nhiều. Năm thứ 2 bắt đầu sản xuất chính thì mua quả chín rất khó vì nông dân ở đây đã quen với việc hái tuốt, nghĩa là cả quả xanh lẫn chín. Chính quyền cũng hỗ trợ và chúng tôi liên tục đến các hộ nông dân trồng cà phê giải thích về lợi ích của hái quả chín.
Chúng tôi trả giá mua quả chín cao hơn hẳn thì người ta mới chấp nhận. Bởi thực ra nếu không mua được quả chín thì không có lý do gì xây dựng nhà máy Cà phê Phúc Sinh Sơn La.
Mua quả chín đồng nghĩa với việc giá thành bị đẩy lên cao, mang đi bán thì khách hàng không mua. Gần như đến 80% số khách hàng được chào giá không quan tâm đến sản phẩm, khiến chúng tôi phải kiên trì tìm những tệp khách hàng xa xôi và thuyết phục họ ủng hộ. Trong ý nghĩ của nhiều khách hàng lúc đó, cà phê Arabica Việt Nam là giá rẻ, muốn bán giá cao hơn rất khó.
Hàng sản xuất ra không bán được làm chúng tôi khá mệt mỏi, đau đầu. Nhiều người bên ngoài còn nói, sao xây nhà máy lớn như vậy? Sao đầu tư không nghiên cứu kỹ? Từ Sài Gòn ra làm một nhà máy lớn ở tỉnh miền núi Tây Bắc như Sơn La đâu có dễ dàng, tập tục con người rồi bao nhiêu vấn đề làm chúng tôi thực sự vật lộn.
Đôi khi tôi cảm thấy áy náy, không ít đồng nghiệp bày tỏ hối tiếc vì họ đã bỏ việc, tham gia vào nhà máy Phúc Sinh Sơn La…
Để có đủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ chế biến cà phê đặc sản, Nhà máy Cà phê Phúc Sinh đã mất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động để bà con nông dân thay đổi thói quen canh tác, thu hái và Phúc Sinh sẵn sàng thu mua quả chín với giá cao hơn so với thị trường.
Tuy nhiên cá nhân tôi nhìn thấy nhiều cơ hội, năm thứ nhất khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã giới thiệu Blue Son La Arabica ra thị trường nội địa và trên thế giới. Làm thương hiệu có dễ đâu, nhưng chính là Công ty “mẹ” Phúc Sinh Corp vẫn hỗ trợ Phúc Sinh Sơn La. Chúng tôi cũng bắt đầu học hỏi sản xuất cà phê đặc sản Specialty Coffee – dòng sản phẩm thị trường thế giới rất quan tâm và đang là xu hướng.
Thực ra chúng tôi có một đối tác tin cậy, là Tổng Giám Đốc Vũ Việt Thắng của Cà phê Phúc Sinh Sơn La – chính là cậu bạn của tôi đã từ bỏ công việc 22 năm ở ngân hàng và đi làm nông nghiệp. Nhờ Thắng kiên trì, dần có tình yêu với cà phê mà chúng tôi có cà phê đặc sản, tuy nhiên đấy là câu chuyện về sau này.
Qua 1 năm chúng tôi đầu tư nhà máy và giới thiệu cà phê Arabica Sơn La tới nhiều tỉnh thành của Việt Nam và thế giới, đã có nhiều công ty đến Sơn La mua cà phê, giá cả và thương hiệu cà phê Arabica Sơn La được biết tới hơn rất nhiều, đặc biệt người nông dân đã bán được giá cao hơn.
Ảnh trái: Anh Vũ Việt Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La phát biểu tại lễ khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara – loại trà làm từ vỏ cà phê chín. Ảnh phải: Anh Thắng chụp ảnh cùng nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La Hoàng Văn Chất và Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group Phan Minh Thông.
Nhưng sang năm thứ hai, rồi năm thứ ba và đến năm thứ tư mọi thứ vẫn như vậy, công việc tiến triển chậm. Một lần nữa, gần như chúng tôi bị cô lập, bỏ rơi và chúng tôi chỉ còn cách miệt mài tiếp cận người mua xa xôi. Phải nói là nếu không có một công ty Phúc Sinh Corp mạnh hỗ trợ thì Phúc Sinh Sơn La khó tồn tại đến ngày hôm nay.
Hàng cà phê đặc sản cũng chưa ổn định, có mẻ rất ngon nhưng có mẻ chưa vừa ý, cứ phải kiên nhẫn và kiên nhẫn hơn. Cũng có lúc chúng tôi gặp khách mua nhưng không phải khách hàng thường xuyên, họ chỉ mua thay thế khi thiếu hụt nguồn cung nơi khác hay giá nơi họ mua tự nhiên tăng đột biến. Nhiều khi vụ cũ còn chưa bán hết đã phải sản xuất vụ mới. Khó khăn mình chỉ biết giữ trong lòng, ai hỏi cũng chỉ dám nói là mọi thứ ok, không quá tốt và có những lúc chúng tôi cũng tự hỏi lại mình đầu tư có đúng không?
Nhưng thực ra chúng tôi có nhiều lựa chọn đâu, chỉ còn cách cố gắng tiếp cận tiến lên mà thôi. Khó khăn chỉ mình mình biết và tìm cách sống sót trong thời kỳ cạnh tranh dữ dội. Những người mua cũ có mối lái của họ, bảo họ cô lập và không muốn mình phát triển cũng phải, vì ít ai ủng hộ sự phát triển và sáng tạo mạnh mẽ của Phúc Sinh. Và bởi sự phát triển của Phúc Sinh cũng ảnh hưởng đến “miếng bánh” của họ.
Không có nhiều sự lựa chọn, và chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ chính những cái chưa tốt của mình để cải tiến quy trình sản xuất tốt hơn, chất lượng Arabica Sơn La tốt hơn và cùng lúc đó chúng tôi chế biến cà phê đặc sản (Specialty coffee).
Những quả cà phê dùng để sản xuất cà phê đặc sản phải được tuyển chọn nghiêm ngặt, đảm bảo phải chín đỏ. Nếu chế biến cà phê thông thường mất 3 ngày thì Specialty coffee mất 20 ngày từ khi lên men, phơi nắng cho ra chất Honey hay Natural. Đại đa số mọi người thường ít kiên nhẫn và làm 1-2 mẻ, nếu không được đánh giá đúng thì hay từ bỏ, lúc nào cũng muốn phải được công nhận ngay.
Tuy nhiên làm cà phê là tình yêu và sự cống hiến. Mọi công đoạn trong sản xuất đều phải chăm chút nên đó là cả quá trình học hỏi tiến bộ, nhiều khi muốn cũng không nhanh được. Mỗi mùa vụ cà phê chỉ có 4 tháng sản xuất, mà anh phải học hỏi từ kinh nghiệm cũng như chỉnh sửa cái chưa tốt của mình.
Cần mẫn như thế, đến năm thứ 6, chúng tôi đã sản xuất Arabica tốt hơn và các mẻ hàng cà phê đặc sản thì tuyệt vời. Năm thứ 6 cũng là năm mà chúng tôi đã trả không biết bao nhiêu tiền đi khắp nơi giới thiệu Blue Sơn La Arabica của Phúc Sinh. Đáng nói, năm thứ 6 này cũng là năm xảy ra khủng hoảng mạnh nhất trong lịch sử ngành cà phê thế giới 50 năm qua. Các nguồn cung xáo trộn, lại thêm các chính sách về chống phá rừng mạnh mẽ sau đại dịch Covid,…
Năm nay chúng tôi có cơ hội giới thiệu với nhiều tên tuổi lớn trong ngành và may thay, họ thích cà phê Arabica Blue Sơn La của Phúc Sinh. Sự miệt mài kiên trì cũng có kết quả, chẳng những hàng vụ mới được yêu thích mà vụ cũ chúng tôi cũng bán được giá cao, xây dựng được uy tín với các khách hàng lớn.
Mới đây nhất, chúng tôi mang sản phẩm cà phê đặc sản SPECIALTY COFFEE Arabica tới hội chợ SPECIALTY Chicago (Mỹ) và thật đặc biệt, hàng Natural Specialty của Phúc Sinh được chào đón nồng nhiệt. Nhiều người nói đây là cà phê họ uống ngon nhất trong ngày và mua rất nhiệt tình. Chúng tôi bán cà phê Natural và Honey Specialty với giá 14 USD/túi 250gr và đã bán hết sạch.
Trà Cascara cũng vậy, khách quốc tế khen ngon vì hương nguyên chất mùi cam và vị ngọt của trái Cherry. Vì Cascara người khác chỉ phơi nắng, còn Phúc Sinh thì sấy lạnh bằng máy.
Lần đầu tiên đi hội chợ Specialty mà chúng tôi không còn gì để bán. Thậm chí khách hàng còn đặt mua từ vài chục, vài trăm kg tới cả tấn vì thích chất lượng. Vì vậy chúng tôi tin mình có thể sản xuất cà phê đặc sản Specialty quy mô lớn hơn những năm sau.
Ông Phan Minh Thông giới thiệu với bạn hàng quốc tế về sản phẩm cà phê đặc sản SPECIALTY COFFEE Arabica tại hội chợ SPECIALTY Chicago (Mỹ).
Trà Cascara – sản phẩm mới nhất của Công ty Cổ phần Phúc Sinh được làm từ vỏ cà phê chín. Phần vỏ và thịt quả cà phê cung cấp một lượng lớn chất chống oxy hóa như polyphenol, giúp cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường… Trà có vị ngọt nhẹ, chua thanh, thơm mùi trái cây.
Sau nhiều gập ghềnh vất vả, giờ đây cà phê Arabica Sơn La được biết đến khắp cả nước, người dân Việt Nam được uống cà phê Arabica Sơn La thơm ngon, và đặc biệt cà phê Sơn La có sự tự tin về chất lượng so với cà phê trên khắp cả nước.
Với Nhà máy Arabica Phúc Sinh Sơn La, chất lượng và giá cà phê đã được thị trường thế giới chấp nhận. Và đặc biệt, khi làm cà phê đặc sản, chúng tôi gửi gắm rất nhiều tâm huyết, tình yêu vào đó, và chúng tôi hạnh phúc khi cảm thấy đang góp phần mang lại giá trị lâu bền cho vùng đất Sơn La…
Nguồn: https://danviet.vn/son-la-nhung-con-duong-gap-ghenh-nhung-nhieu-tinh-yeu-voi-ca-phe-arabica-20240513145211332.htm