Đây là thông tin được công bố tại Phiên họp thứ tư, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, diễn ra sáng 19/4, do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì. Phiên họp được trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Sơn La, dự Phiên họp có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Sơn La đạt 86,78%, tăng 2 bậc so với năm 2021, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) tỉnh Sơn La đạt 82,18%, cao hơn mức trung bình của cả nước 2,1%; đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
So với các năm, Chỉ số CCHC tỉnh Sơn La năm 2022 đạt giá trị trung bình cao nhất từ trước tới nay; chỉ số SIPAS của tỉnh liên tục nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành phố. Kết quả về các chỉ số cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đối với quyết tâm đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền phục vụ.
Phiên họp cũng thảo luận, đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, thời gian qua, công tác TTHC gắn với chuyển đổi số được các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh; công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh. Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đề án 06/CP được triển khai quyết liệt, trong quý I/2023, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; xử lý quyết liệt tình trạng SIM rác, đã tiếp nhận 95,6 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao, trong đó làm sạch, đồng bộ trên 78 triệu thông tin…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục hiệu quả, đẩy nhanh tiến trình CCHC, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2023 của từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát; chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương trong giải quyết TTHC.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, nhất là về phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, giao rừng… tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP….
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 95%, ngay trong năm 2023 đạt trên 85%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%…
Thanh Huyền