Nhà mạng tuyên bố sẽ sớm cung cấp dịch vụ 5G
Chiều ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Viettel và VNPT. Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, sau 15 năm có quy định về việc đấu giá tần số vô tuyến điện tại Luật Tần số vô tuyến điện 2009, lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần triển khai 5G. Hai doanh nghiệp trúng đấu giá là Viettel với khối băng tần 2500 – 2600 MHz và VNPT với khối băng tần 3700 – 3800 MHz.
“Với việc đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nêu trên, Bộ TT&TT đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G từ ngày 11/4/2024. Các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, hình thành một hạ tầng mới thúc đẩy phát triển kinh tế số – xã hội số – chính phủ số tại Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Phúc nói.
Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng cho biết Viettel sẽ tăng cường hạ tầng cho 4G, đồng thời quyết tâm sớm đưa 5G tới khách hàng trong năm 2024.
Đối với nhà mạng này, băng tần 2500-2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Việc Viettel trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Bên cạnh đó, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động. Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500-2600 MHz.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT thông tin, việc cấp giấy phép 5G là bước ngoặt để doanh nghiệp có thể làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng. VNPT dự định nâng cấp hệ thống truyền dẫn, đồng thời đầu tư 1.000 trạm 5G mới trong năm 2024. Phía MobiFone cũng chia sẻ, mong muốn sớm được cấp phép 5G thông qua đấu giá.
Sau khi Cục Tần số vô tuyến điện báo cáo lãnh đạo Bộ để tổ chức đấu giá lại khối băng tần 3800-3900 MHz, nếu vẫn tiếp tục chỉ có một doanh nghiệp tham gia đấu giá, thì khối băng tần này có thể sẽ được bán lại cho doanh nghiệp đó theo quy định.
Chuẩn bị tiến lên 5G, nhưng vẫn cần đầu tư cho 4G
Sau khi trao giấy phép 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Đến năm 2030, tại Việt Nam, dung lượng chủ yếu vẫn là 4G. Nhanh nhất cũng phải đến năm 2029, dung lượng và thuê bao 5G mới vượt qua 4G. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các nhà mạng vẫn phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ 4G. Bộ TT&TT cũng xem xét đến việc triển khai đấu thầu tần số 700 MHz về để triển khai 4G đảm bảo chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ đạo các đơn vị của Bộ TT&TT tiến hành đo kiểm và công bố công khai chất lượng dịch vụ di động trên truyền thông, để các nhà mạng luôn phải nỗ lực đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Chia sẻ về nhu cầu 4G tại Việt Nam trước đó, đại diện Ericsson cho rằng, triển khai 5G cũng giống như các thế hệ dịch vụ di động 2G, 3G và 4G. 2G đã có tại Việt Nam từ những năm 1990 nhưng đến giai đoạn 2009 – 2010 khi triển khai 3G cũng “giống như hòn đảo trên biển 2G”, sau này dần mở rộng ra và trở thành biển. 4G cũng tương tự như vậy và bây giờ 5G đang lặp lại quá trình đó.
“Đối với Việt Nam, 4G vẫn còn quan trọng và tồn tại trong nhiều năm nữa. Việc tiếp tục đầu tư vào 4G là rất quan trọng. Sau đại dịch, mọi người chuyển dần sang thói quen làm việc online nên yêu cầu về mạng băng rộng di động rất lớn, cần mở rộng dung lượng mạng 4G. Tuy nhiên, 5G sẽ được triển khai ở các điểm nóng, khu công nghiệp, thành phố lớn”, đại diện Ericsson nói.
Đại diện Ericsson cũng khẳng định, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, thuê bao 2G Only sẽ không còn trên mạng từ tháng 9/2024. Hai năm sau đó, việc duy trì mạng 2G chỉ nhằm cung cấp thoại cho các thuê bao 3G, 4G không tích hợp VoLTE – tính năng trao đổi qua nền tảng 4G.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel khẳng định: Viettel đã tiên phong tắt công nghệ 3G. Hiện nay, gần như trên mạng lưới Viettel không còn thuê bao 3G, chỉ còn một số điểm hotspot (điểm truy cập không dây cho phép người dùng kết nối các thiết bị di động vào mạng Internet – PV) để phục vụ truyền dẫn.
Với công nghệ 2G, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đến tháng 9/2024, các nhà mạng ngừng cung cấp 2G cho thiết bị 2G Only. “Hiện Viettel đang tích cực chuyển đổi khách hàng 2G lên 4G. Viettel có thể chỉ còn hai công nghệ 4G và 5G vào cuối năm 2024, đồng nghĩa khách hàng Viettel chỉ là các thuê bao 4G và 5G”, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Việc chuyển đổi các khách hàng 2G lên 4G đã được nhà mạng này thực hiện từ cách đây 4 năm. Bên cạnh đó, Viettel còn là nhà mạng đầu tiên chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công. Để có thể tắt sóng 2G, mục tiêu Viettel đặt ra trong thời gian từ nay đến tháng 9/2024 là cần dịch chuyển, đưa tỷ lệ thuê bao 2G trên mạng từ khoảng 16% hiện nay xuống còn dưới 5%.
Bài 2: 5G sẽ đem lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng Việt Nam
Nguồn: https://vietnamnet.vn/som-trien-khai-5g-nhung-van-phai-dau-tu-4g-2276666.html