DOANH NGHIỆP KIỆT SỨC, “BÁN MÌNH”
Hơn 77.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023. Con số này tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, gần tương đương với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, khoảng 78.900.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; 20.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,9%; 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Trung bình mỗi tháng khoảng 19.250 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại – công nghiệp VN (VCCI) cho biết, các dấu hiệu đáng lo ngại bắt đầu từ những tháng cuối năm 2022 và đặc biệt là những tháng đầu năm 2023. Tính riêng quý 1 (3 tháng đầu năm), khoảng 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4%. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động thấp hơn, chỉ ở mức 57.000 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng trong quý 1/2023, khoảng 20.100 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, trong khi con số bình quân một tháng 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. “Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, số doanh nghiệp dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số doanh nghiệp gia nhập thị trường”, báo cáo của VCCI cho biết. Đáng lo ngại hơn là “tình hình nói trên có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới”.
Nhưng đó không phải là dấu hiệu đáng lo ngại duy nhất. Theo báo cáo của VCCI, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhu cầu từ thị trường nước ngoài cũng như trong nước thấp dẫn tới số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý 1 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 – 2023. Chỉ số sản xuất quý 1 của một số ngành trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỉ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước…
Tình hình kém lạc quan nói trên cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2022 của VCCI. Chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Đây là những con số ở mức thấp trong suốt 18 năm qua. “Những số liệu thống kê nói trên cho thấy tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá.
Đáng lo ngại là những khó khăn đang đẩy doanh nghiệp tới “bước đường cùng”. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tháng 5 vừa qua đánh giá, trong “bức tranh” rất nhiều khó khăn của nền kinh tế thì những khó khăn của doanh nghiệp là vấn đề lớn nhất. Ông Dũng phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán mà bán với giá chỉ bằng 50% giá thực. Đáng lo ngại hơn, người mua toàn là nước ngoài. “Đấy là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ cho nền kinh tế”, ông Dũng nói.
Doanh nghiệp khó khăn cũng dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Theo Tổng liên đoàn Lao động VN, từ tháng 9.2022 – 1.2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%.
Khơi thông dòng vốn, xử lý cán bộ NÉ TRÁCH NHIỆM
Tình trạng khó khăn của doanh nghiệp có nguyên nhân biến động, nhiều khó khăn của nền kinh tế thế giới, song cũng phản ánh nhiều bất cập từ bên trong.
Khảo sát của VCCI cho biết, theo khảo sát doanh nghiệp năm 2022, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân VN gặp phải là tiếp cận vốn. Có tới 55,6% doanh nghiệp phản ánh điều này, tăng mạnh và liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Đáng nói là, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Theo VCCI, vào năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng là 49,4%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng. Đến năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng đã giảm đáng kể, chỉ còn 17,8%.
Lãi suất tăng nhanh và duy trì ở mức cao từ những tháng cuối năm ngoái cộng thêm các điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp, thủ tục vay vốn phiền hà, sự nhũng nhiễu của cán bộ tín dụng… khiến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp trở nên bế tắc. Ngay cả gói hỗ trợ lãi suất 2% lên tới 40.000 tỉ thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tới nay chỉ giải ngân được 327 tỉ đồng, tương đương 0,82%. Dự tính đến hết năm 2023, gói này cũng chỉ giải ngân được 2.345 tỉ đồng, tức “ế” hơn 37.000 tỉ đồng. Khó khăn vẫn nằm ở các điều kiện tiếp cận. Khi dùng đến những đồng dự trữ cuối cùng, nhiều doanh nghiệp đã phải xoay sang vay “tín dụng đen” với lãi suất khoản vay cao gấp 5 lần các khoản vay từ các ngân hàng.
Song điều quan trọng không phải là không có tiền. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo kinh tế – xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023 đã nêu hàng loạt “nghịch lý” khi hàng triệu tỉ đồng đầu tư công và các khoản ngân sách bị “kẹt” trong các ngân hàng nhưng nền kinh tế thì thiếu tiền, lạm phát thấp, lãi suất cao… đã đẩy nền kinh tế vào tình trạng thiếu thanh khoản, dòng vốn tắc nghẽn. Theo Chủ tịch Quốc hội, những “nghịch lý” nói trên thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát, chưa điều hành nhịp nhàng, linh hoạt khiến dù đạt mục tiêu lạm phát thấp, nhưng lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, việc điều hành “nới room” tín dụng được thực hiện quá muộn, không phát huy được tác dụng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi giải trình tại phiên họp cũng thừa nhận “điều hành tín dụng của chúng ta là có vấn đề, lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì lại siết quá”, nên các doanh nghiệp rất khó khăn.
Song dòng vốn tắc nghẽn, nền kinh tế thanh khoản thấp không phải là khó khăn duy nhất. Báo cáo của VCCI phản ánh cùng với những phiền hà, nhũng nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính, các nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương trong năm 2022 đã có sự chững lại so với những năm trước đó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận môi trường đầu tư hiện nay cũng “rất kẹt” khi các văn bản của bộ, ngành, địa phương đang làm phát sinh hàng nghìn thủ tục mới, gây cản trở và ách tắc tất cả các hoạt động của nền kinh tế sau nhiều năm nỗ lực cải thiện. Bên cạnh đó là vấn đề né tránh trách nhiệm của cán bộ, công chức ở cả T.Ư lẫn địa phương khi giải quyết công việc.
“Các thủ tục đầu tư hiện nay không làm hoặc phải mất độ 2 năm mới giải quyết được một vấn đề. Có thủ tục mất 1 năm, các doanh nghiệp không thể làm được. Doanh nghiệp người ta đã lo ngại như thế, kinh tế đã khó khăn như thế nhưng tinh thần giải quyết công việc không có, cho nên rất khó”, ông Dũng nói, dẫn chứng mỗi năm của giai đoạn 2018 – 2021, TP.HCM cấp trung bình khoảng 70 dự án bất động sản, nhưng trong 2 năm vừa qua chỉ có 8 dự án. “Tức là hầu như đứng bóng, không làm gì. Tôi cho rằng có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm”, ông Dũng nhấn mạnh.