Những rối loạn tâm lý tuổi học đường không được quan tâm đúng mức sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Trong khi thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng liên quan học đường như bạo lực, trầm cảm... làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác tư vấn tâm lý học đường hiện chưa được quan tâm đúng mức.
Bạo lực học đường xảy ra ở nhiều trường học chính là do còn khoảng trống không nhỏ trong hỗ trợ, tư vấn cho học sinh. Đó có thể là giáo viên tư vấn tâm lý ở nhà trường hoặc là chuyên gia tâm lý ở các cơ quan liên quan như phòng giáo dục, đảm nhiệm công việc góp ý, định hướng và gỡ rối cho học sinh khi các em gặp bất hòa, mâu thuẫn. Tư vấn là quan trọng không phải chỉ nhằm giải quyết những khúc mắc về tâm lý, mà là mọi vấn đề từ học hành, định hướng nghề nghiệp, cách ra quyết định, cách xử lý áp lực và các cách thức ứng xử trước những tình huống không mong muốn. Quan trọng hơn hết là những căng thẳng khi gặp mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh sẽ có nhiều cách hóa giải, sẽ giảm được chuyện cãi vã, bạo lực không đáng có xảy ra trong nhà trường, ngoài xã hội.
Hiện việc thiếu nhân lực chính là khó khăn chung của các nhà trường trong triển khai công tác tư vấn học sinh hiện nay. Trước đó, với Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, tư vấn học sinh là vị trí việc làm mới và mỗi trường tiểu học, THCS, THPT được bố trí 1 người ở vị trí này; trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm. Quy định này được kỳ vọng giúp tháo gỡ khó khăn nhân lực tư vấn học sinh hiện nay.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường phổ thông, hiện công tác tham vấn tâm lý học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực làm công tác này còn thiếu và khó thu hút vì chưa có chế độ phù hợp. Giáo viên tư vấn đa số là kiêm nhiệm, người làm công tác tư vấn nhưng không tạo cho các em sự tin tưởng để bộc bạch, tin yêu. Còn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần quốc gia, các bệnh viện tâm thần cũng chưa đủ nguồn lực đáp ứng cho cộng đồng, trong khi chúng ta có nhiều kỳ thị đối với dịch vụ này khiến cho các em đang có tổn thương sức khỏe tinh thần không muốn tìm đến để được giúp đỡ.
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn học sinh trong nhà trường, các giáo viên đồng quan điểm rằng, việc đầu tiên là củng cố và tăng cường đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp. Theo đó, cần có một vị trí chuyên trách về tư vấn học sinh trong mỗi trường học; với các trường có đông học sinh, nên có nhiều hơn một chuyên viên tư vấn để đảm bảo mỗi học sinh đều được quan tâm, hỗ trợ đầy đủ.
Ngày 18/9/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập. Thông tư nói trên có hiệu lực từ ngày 4/11 vừa qua, quy định viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, hướng dẫn cụ thể chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh các hạng 1, 2, 3.
Cùng đó, tại dự thảo Luật Nhà giáo, một trong những điểm mới đáng chú ý là đề xuất giao quyền chủ động tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho ngành giáo dục. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quy định nêu trên nhằm tăng cường vai trò chủ trì của các cơ quan quản lý giáo dục trong công tác quản lý nhà nước, nhằm giúp ngành giáo dục có sự chủ động trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo. Đồng thời cũng giúp các cơ sở giáo dục chủ động lấp được lỗ hổng khoảng trống nhân lực/ vị trí việc làm căn cứ trên nhu cầu thực tiễn của từng cơ sở giáo dục.
Nguồn: https://daidoanket.vn/som-lap-khoang-trong-tu-van-tam-ly-hoc-duong-10294925.html
Bình luận (0)