Sớm đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Bộ Công thương phối hợp với địa phương thúc đẩy, sớm đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu. |
Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Công thương tại Chỉ thị số 06/CT-TTg về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà thầu dầu khí triển khai hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí năm 2024 theo kế hoạch được phê duyệt; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tăng sản lượng khai thác nội địa đáp ứng yêu cầu sản xuất điện.
“Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh thủ tục, di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án ngành giao thông vận tải; tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành các công trình lưới điện trong năm 2024, nhất là đường dây 500Kv mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); chỉ đạo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân”, Chỉ thị số 06/CT-TTg nêu rõ.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây bất ổn thị trường. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xử lý nghiêm theo quy định.
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền, Bộ Công thương phối hợp với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, kịp thời có các giải pháp xử lý phù hợp, không để tình trạng ùn tắc hàng hóa; phối hợp chặt chẽ.
Hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất kinh doanh nông sản phù hợp
Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ đang tác động đến xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công thương thường xuyên với các bộ, cơ quan, hiệp hội, hãng tàu, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình vận tải hàng hóa quốc tế qua khu vực Biển Đỏ, đề xuất các giải pháp giảm thiểu chi phí vận chuyển, bảo đảm luồng hàng xuất khẩu không bị cản trở và tăng khả năng chống chịu với các biến động của môi trường kinh doanh quốc tế.
Trước đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai các nhiệm vụ sau Tết, khẩn trương hoàn thành những công việc bị tạm dừng, chậm tiến độ do nghỉ Tết và những công việc đã đến hạn phải hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ và quy định của pháp luật.
“Các đơn vị chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp chủ lực, phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.
Báo cáo của Cục Công thương địa phương, trong tháng 1/2024, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và chỉ giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
Hoạt động thương mại cũng đang chứng kiến sự phục hồi. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%, nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử và sự tăng trưởng đáng kể trở lại của xuất khẩu dệt may, máy móc và đồ gỗ.