Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nhất là du lịch nông thôn đang được khuyến khích đầu tư nhằm để ngành du lịch Bình Thuận phát triển mạnh, đa chiều để thu hút du khách. Tuy nhiên, nhiều người muốn làm du lịch khu vực nông thôn còn vướng mắc rất cần được trợ giúp của các ngành…
Những năm gần đây xu hướng tìm về vùng nông thôn, rừng – hồ – thác để du lịch khá phổ biến. Ở Bình Thuận ngoài bãi biển đẹp thì rừng – hồ – thác, mô hình trang trại như thanh long, vườn cây ăn trái sầu riêng, bơ, măng cụt… thu hút khá nhiều khách du lịch tìm đến tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng. Mô hình đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách nên nhiều nơi đã cho doanh thu tốt nhờ có lượng khách ổn định.
Ngoài mô hình đi tham quan vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam có đầy đủ tính pháp lý để hoạt động. Nhiều du khách khá thích thú khi được ăn những món do người dân địa phương chế biến, ở tại nhà dân để chờ ban đêm ngắm những vườn thanh long chong đèn rực rỡ màu sắc. Ở thị trấn Võ Xu, trước những homestay là dãy hàng quán nằm dọc ven sông La Ngà với phong cảnh thơ mộng. Dòng sông chảy nên thơ hiền hòa, những chiếc đò dọc trôi theo dòng nước với ngư dân thả lưới và tung chài bắt cá tạo nên khung cảnh thanh bình đã níu chân không biết bao nhiêu du khách… Thành công của du lịch nông thôn là điểm sáng trong nhiều gói du lịch của Bình Thuận.
Dù vậy, làm du lịch nông thôn hiện nay đa phần là tự phát bởi để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho điểm du lịch nông thôn khá khó khăn. Bởi đa phần đất ở nông thôn là đất trồng lúa, hoa màu và đất cây trồng lâu năm thủ tục để làm du lịch rất vướng về tính pháp lý. Ví như ở khu vực cầu Trắng thuộc xã La Ngâu, vào những dịp lễ, tết có ngày khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Nơi đây có lợi thế về dòng sông La Ngà chảy qua tạo nên khung cảnh rất đẹp, ngoài ra không khí thoáng mát quanh năm nên hút được lượng khách lớn từ đô thị. Ở đây có khoảng 7 hộ làm du lịch và dịch vụ nhưng đa phần là tự phát. Có một hộ đã đầu tư chừng 10 tỷ đồng với mong muốn đưa đưa La Ngâu thành điểm đến trên bản đồ du lịch nhưng thủ tục làm hơn 3 năm nay vẫn chưa xong. Cách đây vài ngày, phía trên nguồn dòng sông La Ngà cách điểm du lịch cầu Trắng chỉ vài trăm mét có du khách đuối nước khiến nhiều người lo ngại… Còn vụ việc ở xã Hàm Trí một hộ dân xây dựng nhiều nhà chòi làm khu du lịch sinh thái thu hút khá nhiều khách nhưng do xây dựng trái phép nên chính quyền đã xử phạt và buộc tháo dỡ… Ở Võ Xu, mặc dù có lượng du khách đến tham quan khá đông và muốn làm du lịch theo mô hình Farm nhưng do chưa hoàn thiện về giấy phép nên du khách muốn lưu trú qua đêm vẫn chưa được. Anh Nguyễn Hữu Nhơn đang vất vả chạy xin giấy phép để hoạt động du lịch. Anh Nhơn cho biết: Farm của tôi đã có hàng trăm lượt khách tìm đến tham quan mô hình cách làm lúa, gạo sạch, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và trang trại ốc. Nhiều du khách rất muốn được ở lại dài ngày trong khuôn viên trang trại để thưởng thức phong cảnh thanh bình cũng như trải nghiệm cùng công nhân làm việc và ăn ngủ, sinh hoạt cùng người trong vùng. Tuy vậy do cấn đất lúa nên làm giấy phép để hoàn thiện hoạt động du lịch nông thôn còn vướng.
Mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch rừng – hồ – thác đang phát triển mạnh và có lượng khách du lịch rất lớn. Tuy nhiên do vướng thủ tục nên nhiều nơi vẫn chưa có đầy đủ giấy phép hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc thất thu ngân sách rất lớn. Mới đây, Đoàn xúc tiến thông tin du lịch Bình Thuận đã có chuyến khảo sát ở một số điểm du lịch rừng – hồ – thác ở Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Thuận Bắc. Đoàn đã ghi nhận những hiệu quả trong cách làm du lịch ở mô hình này, cũng như những vướng mắc mà các điểm du lịch này đang gặp phải. Trên thực tế, nhu cầu thị trường khách du lịch cần những điểm đến theo sở thích thì người dân bỏ vốn đầu tư để đáp ứng thị trường. Tuy nhiên vấn đề vướng thủ tục, nhất là quy hoạch, đất đai thì không chỉ ngành du lịch giải quyết được, mà cần các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh để có quyết sách gỡ “vướng” cũng như định hướng để đưa mô hình này phát triển chuyên nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh…