Theo cam kết từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xát trắng thường, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm (9 giống Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9,VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào). Ngoài ra, EU tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
XUẤT SANG EU CHỦ YẾU LÀ GẠO CÓ GIÁ TRỊ CAO
Những cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.
Cho đến nay, cơ bản gạo và sản phẩm gạo Việt Nam đã được hưởng mức thuế suất 0% đối với lượng gạo trong hạn ngạch. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Số liệu phân tích từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, EU nhập khẩu lượng gạo lớn từ Việt Nam với số lượng 96,7 ngàn tấn, tăng trên 65% so với năm 2021, kim ngạch đạt khoảng 79,5 triệu Euro. EU đã phân bổ hết lượng gạo trong hạn ngạch trong năm 2022, Việt Nam đã sử dụng 74.772 tấn gạo trong hạn ngạch 80 ngàn tấn.
Trong đó, Việt Nam đã hết lượng gạo trong hạn ngạch đối với 30 ngàn tấn gạo xát và 30 ngàn tấn gạo thơm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của ta chưa sử dụng hết lượng gạo xay nguyên cám xuất khẩu sang EU.
Năm 2023, EU đã phân bổ 73.345 ngàn tấn, do các doanh nghiệp nhập khẩu EU không đăng ký hết lượng gạo xay nguyên cám và thóc quy gạo tại hạn chót thời điểm đăng ký thực thi hạn ngạch gạo.
Đối với thị trường Bỉ, do quy mô thị trường nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa quan tâm đến việc xuất khẩu gạo sang thị trường này. Các doanh nghiệp, hệ thống phân phối ở Bỉ chủ yếu nhập gạo Việt Nam từ các đầu mối nhập khẩu lớn của Pháp và Hà Lan.
Theo số liệu của Eurostat, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gạo sang Bỉ với tổng trị giá 56,3 nghìn euro. Đây là con số rất nhỏ bé so với tiềm năng thị trường Bỉ nhập khẩu 500 triệu euro gạo hàng năm từ các nước trên thế giới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, giá gạo của Việt Nam xuất sang thị trường Bỉ và các nước EU cao hơn mức trung bình của các nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao như ST25, ST24.
Một số mặt hàng gạo chế biến từ gạo phở, bún, bánh đa nem và gạo của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào hệ thống phân phối hiện đại của EU tại Đức, Séc, Bỉ Hà Lan, Pháp, Bắc Âu. Do tình hình giá gạo trên thế giới tăng cao do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo tại Bỉ cũng tăng đối với tất cả các dòng gạo nhập khẩu.
Tại Bỉ, trong phân khúc gạo thơm, gạo Thái lan đắt nhất khoảng 3euro/kg, Việt Nam đứng thứ hai với giá khoảng 2,5euro/kg, gạo Italy rẻ hơn khoảng 2 euro/kg và gạo của Campuchia rẻ nhất 1,4 – 1,5euro/kg.
Gạo Việt Nam chủ yếu được bán tại các siêu thị châu Á do chưa có doanh nghiệp nào làm phân phối gạo Việt Nam tại Bỉ để cung ứng cho các chuỗi.
QUAN TÂM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG GẠO
Các đánh giá cho rằng nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường này không lớn, nhưng đây là thị trường đáng để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo giá trị cao lưu tâm, bởi hai bên đã có những ưu đãi thuế quan về mặt hàng gạo khi thực thi EVFTA.
Mức tiêu thụ hàng năm bình quân đầu người ở EU khoảng 6 kg, trong khi đó mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên toàn cầu vào khoảng 54 kg/người.
EU là khu vực không có lợi thế về sản xuất lúa gạo như các nước Châu Á. Tuy nhiên, một số nước Nam Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Pháp, Romania, Bulgaria và Hungary cũng sản xuất một phần gạo để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nội khối.
Diện tích sản xuất lúa của EU khoảng 450.000 ha. Hàng năm, EU sản xuất được từ 1,6-1,7 triệu tấn gạo. Tổng dung lượng thị trường gạo khu vực EU vào khoảng 3,3 triệu tấn/năm, như vậy sản xuất trung bình hàng năm đạt khoảng 50-70% tổng sản lượng gạo tiêu dùng.
EU đảm bảo được khả năng tự cung đối với giống gạo hạt tròn Japonica. Song khu vực này phụ thuộc vào nhập khẩu cho gạo hạt dài Indica, hạt dài đặc sản, như Basmati và Jasmine từ Ấn Độ và Pakistan, Thái Lan và các dòng gạo xát phục vụ chế biến, nhà hàng từ Campuchia, Myanmar, Việt Nam.
Đáng lưu tâm, từ 18/1/2022, EU đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp tự vệ đặc biệt áp thuế đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar áp dụng trong 3 năm từ 2019 (175 Euro/tấn), 2020 (150 Euro/tấn) và 2021 (với mức 125 Euro/tấn). Do đó trong năm 2022, lượng gạo xuất khẩu từ 2 nước này sang EU tăng mạnh trở lại, sản lượng Campuchia xuất sang EU đạt 174 ngàn tấn, Myanmar đạt 322 ngàn tấn.
Bộ Công Thương cho biết hiện tại Việt Nam và EU đang trao đổi về danh sách gạo thơm được nhập vào EU theo Hiệp định EVFTA với mức thuế ưu đãi hơn. Nên ngoài mức thuế EVFTA, gạo Việt Nam sẽ cạnh tranh hạn ngạch thuế quan chung so với các nước.
Để xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao vào thị trường này, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc quản lý chất lượng gạo nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là dưới 0,01mg/kg và các nhà nhập khẩu và nhà quản lý EU sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Bài học năm 2021, khi làm thị trường cho gạo ST25, doanh nghiệp Bỉ đã phải thu hồi vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là 0.017mg/kg”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cảnh báo.
Mặt khác, hiện nay chủng gạo thơm ST 24, 25 đang được làm thị trường tại Bỉ và EU nhưng chủng gạo này chưa được hưởng ưu đãi theo khuôn khổ EVFTA do vậy phải cạnh tranh hạn ngạch thuế quan chung với các nước. Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU kiến nghị Việt Nam cần sớm đẩy nhanh đàm phán lại, mở rộng danh mục chủng loại gạo xuất khẩu vào EU.