DNVN – Một trong những thông điệp của Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2024 công bố hôm 18/6 là hướng đến lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Trong đó, điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết.
Báo cáo “Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường tới phát thải ròng bằng không” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Việt Nam cùng Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam hợp tác biên soạn và công bố ngày 18/6 tại Hà Nội.
Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Một trong những phát hiện chính của báo cáo cho thấy, việc Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải carbon của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.
Ông Đoàn Ngọc Dương – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).
Thông điệp của báo cáo hướng đến lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp. Điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết.
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và bảo đảm đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030.
Tại lễ công bố, ông Đoàn Ngọc Dương – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, so với các ấn phẩm trước đây, báo cáo “Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không” xem xét và phân tích các kịch bản triển vọng năng lượng với các giả định đầu vào khác nhau.
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Theo Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư. Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/som-day-nhanh-chuyen-doi-nang-luong-xanh-de-tranh-cac-chi-phi-lon/20240619054303694