Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thí sinh và phụ huynh mong các trường sớm công bố đề án tuyển sinh ĐH để chủ động trong ôn tập và chuẩn bị định hướng đăng ký xét tuyển.
Thời điểm này các trường THPT đã hoàn thành kỳ thi cuối học kỳ I và chuẩn bị bước vào giai đoạn ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH năm 2025. Tuy nhiên, với nhiều đổi mới trong phương án tuyển sinh ĐH 2025 từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường, thí sinh không khỏi lo lắng. Đơn cử, một số trường đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến với nhiều điều chỉnh, biến động về chỉ tiêu giữa các phương thức, mở thêm ngành học mới; thay đổi tổ hợp xét tuyển.
ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo, và 3 phương thức tuyển sinh chính là kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng. Đáng lưu ý, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường xét tuyển theo 4 tổ hợp, gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh). So với kỳ tuyển sinh năm 2024, trường đã dừng tuyển sinh một số tổ hợp.
Cũng điều chỉnh tổ hợp xét tuyển, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) sẽ không còn xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh) mà dùng 2 tổ hợp truyền thống là A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh); đồng thời bổ sung thêm 2 tổ hợp mới, gồm: toán, Tiếng Anh, tin và Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng phương thức; trong đó xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% chỉ tiêu), xét điểm thi đánh giá năng lực (tối đa 40 – 60%) và điểm thi tốt nghiệp THPT (tối đa 30-50%).
Với những thay đổi về tổ hợp xét tuyển, các học sinh lớp 12 sẽ phải cân nhắc về các môn thi sẽ lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sao cho phù hợp với định hướng xét tuyển ĐH của bản thân. Đây là một thách thức lớn vì từ năm 2025, học sinh chỉ thi tốt nghiệp 4 môn (gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn) nên số lượng tổ hợp dự báo giảm nhiều, không còn đa dạng như các năm trước. Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh đó là để tối đa cơ hội trúng tuyển, học sinh cần lưu ý đến quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nguyên tắc xây dựng tổ hợp xét tuyển từ năm 2025. Theo đó, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn. Nắm vững nguyên tắc này, học sinh có thể yên tâm học tập theo tổ hợp mình đã dự định đăng ký xét tuyển ĐH. Nếu dự kiến đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên thì đừng lơ là với môn Toán; nếu yêu thích tổ hợp khoa học xã hội thì nhất định phải học tốt Ngữ văn.
Bên cạnh đó, cũng có trường điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu như ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến áp dụng 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%). Theo kế hoạch tổ chức thi Đánh giá tư duy (TSA) năm 2025 mà nhà trường công bố, kỳ thi tổ chức trong 3 đợt thi vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có 3- 4 kíp thi tại 30 điểm thi. Như vậy, thí sinh có thể chủ động tìm hiểu thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, thi chứng chỉ… để gia tăng cơ hội xét tuyển vào ngành học, trường học mình mong muốn.
Một trong những vấn đề được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm đó là phương thức xét học bạ có được nhiều trường áp dụng như năm 2024 và nếu có, chỉ tiêu cho phương thức này sẽ ra sao? Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố quy chế tuyển sinh chính thức nên các trường cùng thí sinh vẫn đang chờ đợi. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, ghi nhận thực tế những năm vừa qua, học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường. Chưa kể, các phương thức trong đợt xét tuyển sớm lâu nay gây bất lợi, thiếu công bằng cho những thí sinh không có điều kiện tham gia những kỳ thi đánh giá năng lực hay có những chứng chỉ ngoại ngữ… Vì vậy, trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2025 đã đề xuất bỏ khái niệm “xét tuyển sớm”, từ đó công tác tuyển sinh không còn xét tuyển sớm nữa.
Nguồn: https://daidoanket.vn/som-cong-bo-de-an-tuyen-sinh-dai-hoc-2025-10297974.html