Ba em năm nay 54 tuổi, từng bị sỏi thận và phẫu thuật lấy sỏi cách đây 5 năm. Dạo gần đây, ba em lại có triệu chứng như trước khi phẫu thuật.
Bao gồm đau lưng, đi tiểu khó khăn, đau rát, tần suất đi tiểu nhiều, thỉnh thoảng tiểu ra máu. Em lo lắng không biết bệnh sỏi thận của ba tái phát hay do bệnh lý nào khác, vì lâu nay em luôn nghĩ sỏi thận đã phẫu thuật điều trị là khỏi hoàn toàn. (Hoàng Mai, Long An)
Trả lời:
Để biết chính xác tình trạng bệnh của ba bạn, bạn nên sắp xếp cho ba đi khám sớm. Vì những triệu chứng bạn nêu rất có khả năng ba của bạn tái phát bệnh cũ, cũng có thể là rối loạn đường tiểu dưới. Sỏi thận là tình trạng lắng đọng của các khoáng chất trong nước tiểu hình thành tinh thể như canxi, muối, axit uric và oxalat. Nếu không đủ nước để loại bỏ các khoáng chất này, lâu ngày chúng sẽ cô đặc tạo thành sỏi thận.
Sỏi thận là bệnh tiết niệu phổ biến và rất dễ tái phát với nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu người bệnh đã phẫu thuật lấy sỏi một lần, nhưng không thay đổi lối sống theo hướng tích cực hoặc có thể do yếu tố cơ địa, bệnh lý tác động thì bệnh sỏi thận có thể quay trở lại.
Bệnh sỏi thận hình thành, tái phát có thể do lối sống, thói quen ăn uống như ăn nhiều thịt, nhất là thịt đỏ, đạm động vật – những protein chứa nhiều nhân purin. Những chất này sau quá trình chuyển hóa sẽ tạo ra chất thải là ure, thải qua nước tiểu, khi bị lắng đọng tại thận sẽ hình thành sỏi. Chất béo từ động vật làm tăng nồng độ axit uric trong khi giảm chất hóa học cần thiết để ngăn khoáng chất kết tinh. Ăn nhiều muối nhưng lại uống ít nước (dưới 2 lít nước mỗi ngày) khiến cho cơ thể không đủ nước để đào thải độc tố và chất cặn bã ra ngoài.
Sự lắng đọng chất cặn bã ở thận cũng có thể hình thành từ những thói quen không ngờ đến như nhịn ăn sáng (do dịch mật giữ trong túi mật quá lâu hình thành nên sỏi thận); thói quen ít vận động khiến quá trình trao đổi chất kém, chất độc đào thải qua mồ hôi không được diễn ra thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc tự ý bổ sung canxi không tuân theo chỉ định của bác sĩ cũng là nguyên nhân hình thành sỏi thận. Khi canxi trong cơ thể dư thừa sẽ đào thải ra ngoài, tuy nhiên nếu đào thải không hết sẽ lắng đọng tại thận, lâu ngày sẽ hình thành sỏi ở thận.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan, do lối sống, sỏi thận hình thành do các yếu tố khách quan như cơ thể hấp thu kém, khó tiếp nhận các khoáng chất và sẽ đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, quá trình đào thải kém sẽ là nguyên nhân hình thành sỏi ở thận.
Quá trình hình thành sỏi còn có thể do bất thường ở niệu quản, do viêm, tắc nghẽn dễ làm viêm nhiễm niệu quản, dẫn đến tình trạng viêm và phù nề niêm mạc đài bể thận, dễ dẫn tới xơ hoá chức năng thận và hình thành sỏi thận. Những người có bệnh lý nền như bệnh lý về tuyến giáp, béo phì, tiểu đường… gây ra tình trạng dư thừa axit uric, lắng đọng canxi tại vùng thận làm tăng nguy cơ tái mắc lại sỏi thận.
Do đó, người bệnh sau khi phẫu thuật lấy sỏi thận, để phòng ngừa bệnh tái phát, bên cạnh xây dựng lối sống khoa học, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ở trên, giảm natri, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh, ưu tiên protein từ nguồn thực vật. Người bệnh nên tập thói quen vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày (5 lần một tuần) và nên thăm khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng một lần giúp tầm soát, phát hiện sớm và điều trị bệnh từ sớm.
Bệnh sỏi thận nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, sỏi còn đang nhỏ thì chỉ cần điều chỉnh lối sống, có chế độ dinh dưỡng cân đối, uống đủ nước và luyện tập thường xuyên để cơ thể tự đào thải sỏi qua đường tiểu mà không phải phẫu thuật. Ba bạn sớm thăm khám để xác định bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp.
BS.CKI Châu Minh Duy
Trung tâm Tiết niệu và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM