Ngày 18/4, tức mùng 10/3 âm lịch, tại sân lễ hội Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã diễn ra nhiều hoạt động, các trò chơi dân gian trong khuôn khổ của Lễ hội Hoa Lư năm 2024, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến xem và cổ vũ.
Hội thi Thư pháp là một trong những hội thi có đông thí sinh tham gia với số lượng là 46 người thuộc nhiều lứa tuổi, đối tượng, chức sắc tôn giáo.
Thí sinh tham gia thi viết 3 phần: viết “Đại tự”, viết bức “Hoành phi”, viết câu đối. Thí sinh được chia làm 2 nhóm và tổ chức thi làm 2 đợt; làm bài thi và tính giờ theo hiệu lệnh trống.
Bài thi được đánh giá trên cơ sở chữ viết chuẩn, đẹp và bố cục hợp lý, đảm bảo thời gian theo quy định của Ban Tổ chức, Qua 3 phần thi, các thí sinh đã thể hiện những hiểu biết, kiến thức, năng lực và kỹ năng của mình về nghệ thuật Thư pháp. Nhiều tác phẩm thư pháp đẹp, có chiều sâu, chứa đựng thông điệp và tài hoa của người viết, thể hiện tính mỹ thuật của chữ viết qua từng nét chữ, cách thức trình bày, hình dáng câu chữ; tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn người thưởng lãm.
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức trao giải tập thể gồm 1 giải nhất cho Ủy ban MTTQ huyện Yên Mô, 1 giải nhì cho Ủy ban MTTQ huyện Yên Khánh, 1 giải ba cho Ủy ban MTTQ huyện Gia Viễn, 5 giải khuyến khích. Giải cá nhân gồm 1 giải nhất cho thí sinh Đinh Hồng Huy, xã Yên Phong, huyện Yên Mô; 2 giải nhì, 3 giải ba, 12 giải khuyến khích; 2 giải cho thí sinh lớn tuổi nhất và thí sinh nhỏ tuổi nhất.
Thông qua hội thi nhằm lưu giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, văn hóa chữ viết đặc sắc của người Việt Nam, của con người và vùng đất Ninh Bình. Đồng thời, tạo điều kiện cho những người yêu thích nghệ thuật Thư pháp được thể hiện khả năng hiểu, đọc và viết chữ Thư pháp của mình.
Đến với Lễ hội Hoa Lư, du khách còn được hòa mình vào nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, vui nhộn như: Hội thi kéo chữ “Thái Bình”, Thi đấu cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà,… Mỗi trò chơi đều mang trong mình những ngụ ý mà người dân muốn gửi gắm.
Cũng nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Lư năm 2024, Sở Du lịch tổ chức gian hàng trưng bày, quảng bá và xúc tiến du lịch Ninh Bình tại tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư).
Gian hàng lần này thu hút sự tham gia của gần 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch gồm các nhà hàng, khách sạn, điểm đến trên địa bàn tỉnh.Với diện tích 120m2, gian hàng được thiết kế khoa học, hấp dẫn.
Để thuận tiện cho du khách và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu, Ban tổ chức đã trưng bày hàng nghìn ấn phẩm với nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và bố trí máy tra cứu thông tin du lịch trực tuyến.
Đồng thời, phân công cán bộ trực tại gian hàng để giới thiệu đến du khách về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Ninh Bình. Đặc biệt nhân kỷ niệm 10 năm Di sản Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ninh Bình sẽ tổ chức một chuỗi các hoạt động hấp dẫn, đặc sắc để chào mừng sự kiện.
Chương trình Giao lưu văn nghệ quần chúng do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức trong ngày thứ 2 của Lễ hội Hoa Lư và kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế cũng đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương quan tâm, thưởng thức.
Tham gia Chương trình có trên 200 diễn viên đến từ 8 huyện, thành phố và các câu lạc bộ văn nghệ, trung tâm nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Các tiết mục nghệ thuật có nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, sự trù phú của những miền quê nông thôn mới…
Với sự đầu tư, chuẩn bị và dàn dựng công phu từ trang phục, lối biểu diễn và nội dung tác phẩm, Chương trình Giao lưu nghệ thuật quần chúng đã thu hút và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với đông đảo du khách về tham quan, trẩy hội. Qua chương trình cũng góp phần giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể, tài nguyên và các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Đây cũng là dịp để các hạt nhân văn nghệ quần chúng của các địa phương được giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm hay để phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trong tỉnh.
Qua mỗi hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư đã mang lại một sắc màu ý nghĩa riêng, tiếp tục bồi đắp cho thế hệ hôm nay hiểu biết được nét văn hóa của cha ông, để từ đó giữ gìn, phát huy và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.