Những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thành phố Nam Định quan tâm đẩy mạnh, với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả xây dựng xã hội học tập, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục ngày càng khởi sắc.
Cô và trò Trường Mầm non Thống Nhất (thành phố Nam Định) trong một giờ trải nghiệm. |
Theo đó, Hội Khuyến học thành phố Nam Định đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn, thể và trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc học đối với mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ và toàn xã hội. Các chi hội khuyến học, dòng họ hiếu học đã kịp thời khen thưởng, biểu dương những học sinh vượt khó học giỏi, sinh viên xuất sắc, sinh viên đỗ thủ khoa, đồng thời tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và tổ chức đăng ký xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và các đơn vị học tập. Trong năm 2022, Hội đã có 65 bài tuyên truyền về thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đơn vị” và “xây dựng mô hình công dân học tập” giai đoạn 2021-2030, tuyên truyền “tư tưởng học suốt đời, học không bao giờ cùng” qua lời dạy của Bác và biểu dương các gương điển hình về khuyến học, khuyến tài. Cùng với đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cũng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân và các trường học trên địa bàn triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực để giáo viên, học sinh phấn đấu, nỗ lực trong học tập. Đến nay, Hội Khuyến học thành phố đã phát triển sâu rộng với 35 hội cơ sở (25 hội phường (xã); 10 trường THPT và Trung tâm GDTX, 561 chi hội thôn, làng, tổ dân phố và các trường tiểu học, THCS, mầm non, các lớp thuộc các trường THPT, 1.239 ban khuyến học với tổng số 97.750 hội viên, đạt 42% so với dân số. Số hội viên Hội Khuyến học là đảng viên có 8.573 người, đạt 65% so với số đảng viên còn tham gia sinh hoạt.
Với mục tiêu xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động nền nếp, hiệu quả, hàng năm, Hội Khuyến học thành phố luôn chủ động triển khai nhiều phong trào thi đua như: Xây dựng quỹ hội, phát triển nhân rộng các mô hình học tập; hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo. Từ các phong trào thi đua, nhiều gia đình, dòng họ quan tâm hơn đến việc học của con em mình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, để kịp thời động viên, phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, các cấp Hội còn tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình, dòng họ, cộng đồng điển hình trong phong trào khuyến học. Công tác vận động, xây dựng Quỹ khuyến học cũng được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Hiện tại, tổng Quỹ khuyến học toàn thành phố có trên 14 tỷ đồng, trong đó quỹ do Hội Khuyến học thành phố quản lý là 660 triệu đồng. Nguồn quỹ do Hội vận động và tự quản lý đảm bảo sử dụng đúng mục đích, công khai, dân chủ, vì thế luôn nhận được sự tham gia đóng góp của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp. Từ nguồn quỹ này, Hội đã nhận trao học bổng, hỗ trợ tiếp sức đến trường, trao học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh đạt giải cao qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; khen thưởng, hỗ trợ giáo viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy. Đã có nhiều học sinh, sinh viên nghèo, gia đình nghèo hiếu học được hưởng lợi do các hoạt động của Hội mang lại, từ đó có điều kiện để học tập, vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, năm 2022, Hội Khuyến học thành phố đã trao 100 xe đạp cho học sinh thuộc con gia đình chính sách, gia đình nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các trường THCS; trao 31 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho các em mồ côi cả cha lẫn mẹ; trao 11 suất học bổng châu Á cho học sinh THPT, mỗi suất 2,2 triệu đồng vào 2 đợt với số tiền 48 triệu đồng; trao 31 suất học bổng Hàn Quốc, mỗi suất 2 triệu đồng. 3 học sinh mồ côi cha mẹ được nhận học bổng đỡ đầu, mỗi năm 6 triệu đồng/em do Công ty TNHH Hoàng Hải tài trợ. Ngoài ra, Hội đã tổ chức trao 150 suất học bổng cho học sinh tiểu học (mỗi suất 500 nghìn đồng), 20 suất học bổng cho học sinh tiểu học, THCS có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt mỗi suất 1 triệu đồng. Hưởng ứng phong trào “Mùa thu khuyến học”, các phường, xã đã đều tổ chức hội nghị trao học bổng và khen thưởng cho giáo viên học sinh trước thềm năm học mới, tiêu biểu là Hội Khuyến học các phường: Thống Nhất, Trần Đăng Ninh, Năng Tĩnh, Quang Trung, Trần Quang Khải, Lộc Vượng, Hạ Long, Trần Hưng Đạo, Văn Miếu, Lộc An, Vị Xuyên…
Với việc đẩy mạnh công tác khuyến học từ gia đình đã làm nòng cốt cho các dòng họ xây dựng, đăng ký thành dòng họ khuyến học, góp phần tích cực trong việc xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập tại địa phương. Đến nay, số gia đình đạt gia đình học tập của thành phố là 62.405/73.408 gia đình, đạt 85%. Số dòng họ đạt “dòng họ học tập” là 67/73 dòng họ, đạt 92%. Số cộng đồng đạt “cộng đồng học tập tổ dân phố, thôn, làng” là 165/186, đạt 88,7%; có 125 đơn vị đạt “đơn vị học tập” (đạt 100%). Số cộng đồng đạt cộng đồng học tập cấp xã, phường đạt 100%. Những nỗ lực, cố gắng và sự đóng góp tích cực của các cấp Hội Khuyến học cùng sự phấn đấu của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã góp phần ổn định quy mô và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục có sức lan tỏa trong cộng động, thời gian tới, Hội Khuyến học thành phố Nam Định tiếp tục phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là tập trung xây dựng mô hình “công dân học tập” giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Khuyến học các cấp. Phấn đấu phát triển hội viên đạt 40% trở lên so với dân số, có 75% đảng viên trở lên tham gia tổ chức hội, 30% người trong độ tuổi lao động của các mô hình học tập đạt danh hiệu “công dân học tập”, 60% cán bộ, công chức, viên chức trong các mô hình học tập được trang bị kỹ năng số cơ bản, 50% người trong độ tuổi lao động được phổ cập kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, 70% cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn cấp xã, phường theo học chương trình ngoại ngữ tin học do Nhà nước quy định/.
Bài và ảnh: Hồng Minh