SGGP
Hình thức thanh toán trực tuyến (online) ngày càng sôi động và tiện ích, cho phép người dùng giao dịch không cần thẻ ngân hàng, hạn chế nguy cơ lộ thông tin thẻ, thông tin cá nhân. Đây cũng là xu hướng nhằm thay thế thói quen dùng tiền mặt lâu nay, góp phần hình thành hệ thống giao dịch an toàn, minh bạch.
Thanh toán bằng QR code giúp rút ngắn thời gian và hạn chế lộ thông tin cá nhân. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ví điện tử mở rộng “phủ sóng”
Việc ví điện tử Apple (Apple pay), một dịch vụ thanh toán online được sử dụng ở nhiều nước đang triển khai tại Việt Nam đã góp phần kích thích thị trường thanh toán không tiền mặt vốn đã sôi động thời gian gần đây. Anh Hoàng Văn Sơn (ngụ quận 3, TPHCM) cho biết: “Apple pay an toàn hơn so với dùng thẻ tín dụng, ghi nợ hoặc thẻ trả trước. Mỗi giao dịch trên các thiết bị Apple đều được yêu cầu xác thực thông qua Touch ID, Face ID hoặc mã PIN. Số thẻ và danh tính người dùng được bảo mật an toàn, không chia sẻ với người bán và cũng không lưu trữ trên bất kỳ thiết bị nào. Đây là điều làm tôi yên tâm”.
Cụ thể, Apple đã cho người dùng Việt Nam thanh toán thẻ thông qua Apple pay với các chủ thẻ visa của ngân hàng Tiền Phong (TPBank)…
Mới nhất, ngày 2-8, một số ứng dụng của các ngân hàng như Techcombank, MBBank… cũng đã có bản cập nhật mới sẵn sàng cho Apple pay tại Việt Nam. Trước Apple, Samsung pay là ứng dụng hỗ trợ thẻ thanh toán của người dùng trên thiết bị di động Samsung, đã được Samsung triển khai rất sớm, hiện đã kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động một cách đơn giản, an toàn…
Hiện nay, người tiêu dùng có nhiều phương thức thanh toán bằng ví điện tử, khá phổ biến như Momo, Zalo pay, Vnpay, SmartPay, Shopee pay… Các hình thức thanh toán Mobile banking đã trở nên thông dụng với người dùng điện thoại thông minh (smartphone) có cài ứng dụng của ngân hàng. Thậm chí các chuyên gia ngân hàng cho rằng, những hình thức thanh toán mới ngày càng tối ưu nên thanh toán bằng thẻ sẽ sớm trở nên lạc hậu dù đang được dùng rộng rãi.
Xu hướng thanh toán không tiếp xúc
Theo nghiên cứu của Visa (mạng lưới thanh toán quốc tế), việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đã giảm đáng kể những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19. Qua khảo sát, hiện có tới 89% số người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu cho thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc.
Ông Kelvin Utomo, Trưởng bộ phận Phát triển sản phẩm và giải pháp (mạng lưới Visa Việt Nam và Lào), chia sẻ: “Thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt thanh toán không tiếp xúc là một xu hướng đang phát triển nhanh chóng ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Mạng lưới thanh toán Visa đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng các thiết bị chấp nhận thanh toán, điểm chấp nhận thanh toán thẻ… Nhờ vậy, tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ của toàn thị trường Việt Nam năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm 2021”.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 5 tháng đầu năm 2023, so cùng kỳ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua internet tăng 75,54% về số lượng và tăng 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 64,26% về số lượng và tăng 7,65% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 151,14% về số lượng và tăng 30,41% về giá trị; qua POS tăng 30,35% về số lượng và tăng 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và giảm 6,43% về giá trị…
“Những số liệu này đã phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt rất rõ rệt”, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai các đề án, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, sự phát triển của thị trường điện thoại thông minh, công nghệ cũng tác động rất lớn. Hãng Insider Intelligence dự báo, năm 2023, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam dự kiến ở mức 63,8 triệu người, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng internet trên cả nước.
Còn theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cuối năm 2021, cả nước có 91,3 triệu thuê bao smartphone và đến tháng 4-2023 có thêm hơn 2 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao smartphone tại Việt Nam lên 93,5 triệu và ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone khoảng 73,5%.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên cả nước khoảng 68,7 triệu tài khoản, 70 tổ chức tín dụng đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…Điều này đã góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt.