Xác định thiết chế văn hóa thể thao (VHTT) cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển phong trào rèn luyện thể dục – thể thao, nâng cao sức khỏe người dân, trong những năm qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế VHTT.
Tiết mục cồng chiêng biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa thể thao xã Thạch Lâm (Thạch Thành).
Để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế VHTT, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đã vận động Nhân dân thành lập các câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao (VHVN – TDTT); tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu giữa các thôn, các đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Khu trung tâm VHTT xã mở cửa từ 7 giờ sáng đến 20 giờ hàng ngày, được sử dụng hết công năng. Phía ngoài là các sân bóng mi ni dành cho trẻ em và sân bóng chuyền da, trong nhà là các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng… Bên cạnh đó, nhà văn hóa, sân thể thao ở các thôn cũng phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo các thành phần, lứa tuổi đến sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, luyện tập TDTT, vui chơi giải trí của Nhân dân, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn xã lên 55%. Riêng nhà văn hóa thôn thu hút trên 60% người dân, trung tâm văn hóa xã thu hút trên 30% người dân thường xuyên đến sinh hoạt; khu tập luyện thể thao, sân vận động xã, khu thể thao thôn thu hút gần 60% người dân tham gia tập luyện.
Xây dựng các thiết chế VHTT và tổ chức các hoạt động VHVN – TDTT luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền TP Sầm Sơn. Theo đó, hiện thành phố có 1 nhà thi đấu thể thao, đáp ứng được nhu cầu tổ chức các giải đấu thể thao trong nhà cấp tỉnh, cấp quốc gia; 3 sân khấu ngoài trời và công viên Hòn Trống Mái đảm bảo điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa cấp tỉnh và quốc gia; 11/11 đơn vị hành chính cấp xã, phường có thiết chế VHTT đạt tỷ lệ 100%; 86/86 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa… Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng nên tổ dân phố, thôn đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện TDTT phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Qua đó lan tỏa các hoạt động VHVN – TDTT khắp các địa bàn dân cư, cơ quan, trường học, tạo sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Một tiết mục văn nghệ tại hội thi “Dân vũ thể thao” năm 2023 tại TP Sầm Sơn.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh, các thiết chế VHTT các cấp đã từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ và tạo thành hệ thống khá hoàn chỉnh. Cụ thể, ở cấp tỉnh có 8 thiết chế phục vụ cộng đồng (gồm: Sân vận động tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa); trong đó có 2/8 thiết chế đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thư viện tỉnh, Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn); 3 thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp; 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã quy hoạch trung tâm VHTT tích hợp trong quy hoạch kinh tế – xã hội; trong đó, 21/27 địa phương có trung tâm VHTT, có 2 đơn vị quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thiếu nhi là TP Thanh Hóa và huyện Nga Sơn; 514/559 xã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (hội trường đa năng, trung tâm VHTT), trong đó có 346 trung tâm VHTT xã; 4.214/4.357 nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn; có 346/559 cấp xã bố trí điểm vui chơi cho trẻ em (tại trung tâm VHTT xã); 3.320/4.357 cấp thôn bố trí điểm vui chơi cho trẻ em (tại nhà văn hóa – khu thể thao thôn)…
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng các giá trị về mặt tinh thần từ các thiết chế VHTT đối với sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như đời sống của Nhân dân, ngày 31-12-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4794/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển các thiết chế VHTT cơ sở đến năm 2030”. Trong đó mục tiêu cụ thể: cấp tỉnh, đến năm 2025 đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh; nhà thi đấu tầm cỡ khu vực với tính chất đa năng; đến năm 2030 đầu tư xây dựng hoàn thiện Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa; sân vận động đạt chuẩn và khu thể thao dưới nước (trung tâm bơi lội) hiện đại. Cấp huyện, đến năm 2025, 100% các huyện đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và 2 thành phố là trung tâm hành chính tỉnh và 3 trọng điểm du lịch của tỉnh có trung tâm VHTT đa năng và sân vận động đạt chuẩn; đến năm 2030, có 100% đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm VHTT đa năng và sân vận động đạt chuẩn; xây dựng được 1 thiết chế VHTT dành cho công nhân lao động tại khu công nghiệp gắn với khu nhà ở xã hội. Cấp xã, đến năm 2025, 80 – 85% trở lên đơn vị hành chính cấp xã có trung tâm VHTT đa năng; đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp xã có trung tâm VHTT đa năng…
Thực tiễn cho thấy, mặc dù các thiết chế VHTT từ tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhưng hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ 4.0 đã tạo ra những rào cản lớn trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của thiết chế VHTT cơ sở. Bởi các thiết bị công nghệ hiện đại và việc truy cập mạng internet dễ dàng đã chi phối một bộ phận người dân không còn mặn mà đến nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sinh hoạt… Bên cạnh đó là những bất cập về cơ chế, chính sách hay quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa còn khó khăn; một số thiết chế VHTT cơ sở chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động hoặc sử dụng sai mục đích; kinh phí hỗ trợ hoạt động tại các nhà văn hóa tổ dân phố, thôn còn hạn chế; công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại các nhà văn hóa xã, phường còn lỏng lẻo, nhiều bất cập…
Để từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, thời gian tới các ngành, địa phương cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách về định mức kinh tế, kỹ thuật nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất bên trong thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT các cấp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa tại các thiết chế VHTT các cấp; khai thác, phát huy tối đa cơ sở vật chất, giảm biên chế, tránh lãng phí đầu tư công… Qua đó, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả công năng của hệ thống thiết chế VHTT, từng bước nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa và đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Bài và ảnh: Trần Hằng