Chia sẻ tại hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt, ông Sakda Sinives – cố vấn Công ty TNHH A.S Power Green – đưa ra một số bài học từ Thái Lan và sự cần thiết của việc thiết lập nhãn hiệu chứng nhận cho gạo Việt Nam.
Ông nêu cao tầm quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm là biểu tượng cho sự tin tưởng của người tiêu dùng. Đó cũng là chỉ số đánh giá độ tin cậy của nhà sản xuất. Toàn bộ quy trình sản xuất và nhãn hiệu chứng nhận của Việt Nam có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa trên thị trường quốc tế.
“Nhãn hiệu sản phẩm là một trong các yếu tố quyết định nhận dạng thương hiệu. Từ cái tên, người dùng tin vào chất lượng sản phẩm và quyết định mua. Cạnh đó, sản phẩm sản xuất cần phải tính đến việc sản phẩm đó phù hợp với mục tiêu khách hàng nào. Chẳng hạn như đối với phân khúc khách hàng người lớn tuổi chọn sản phẩm gạo mềm”, ông Sakda Sinives nói.
Ông Sakda Sinives gợi ý 9 yếu tố chính để tạo ra tên một thương hiệu như nhận diện thương hiệu, mức độ phù hợp với đối tượng mục tiêu. Khả năng đăng ký bảo hộ, khả năng mở rộng, liên kết sản phẩm, tích hợp logo và khẩu hiệu. Phản hồi và thử nghiệm, kế hoạch tiếp thị và tính bền vững của thương hiệu.
Ông cũng đưa ra mô hình làm nhãn hiệu ở Thái Lan chỉ thông qua trang web duy nhất là “Thai Select”. Vì nếu có quá nhiều website thì khách hàng không thể nào nhớ nổi.
Trong khi đó, ông Koji Takeuchi – giám đốc điều hành Công ty TNHH trang trại Yamabun Farm – mang đến hội thảo câu chuyện đầy cảm hứng về ý tưởng khởi nghiệp 2 năm trước. Ông cho biết xuất phát từ mong muốn mọi người biết đến sản phẩm ngon của vương quốc trái cây tại quê nhà tỉnh Yamagata (Nhật Bản), ông đã từ Việt Nam quay trở về quê nhà thành lập trang trại rộng 30ha trồng lúa, anh đào, đào, táo… Ông kiên trì với mô hình sử dụng sản phẩm có năng lực về thương hiệu để xây dựng thương hiệu riêng cho công ty.
Ban đầu, các thành viên trong doanh nghiệp và tham gia sản xuất nông nghiệp chủ yếu là người thân trong gia đình. Những lúc cao điểm, họ chỉ thuê thêm 3-4 nhân viên. Chính sách của doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu chạm đến trái tim mọi người bằng ẩm thực thông qua sản phẩm ngon, an toàn, đảm bảo an tâm và luôn bán hàng với mong muốn lan tỏa nụ cười.
Để xây dựng và thương mại hóa thương hiệu gạo đặc sản Tsuyahime, ông Koji Takeuchi luôn giải quyết rất nhiều câu hỏi như chọn lọc giống lúa, hương vị, khẩu vị của khách hàng, trẻ em có ăn được hay không, giá cả và mẫu mã bao bì.
“Tsuyahime có ý nghĩa là nàng công chúa bóng bẩy. Nó cũng mô tả độ bóng ngon của hạt gạo khi nấu chín. Do đó, tôi chọn Tsuyahime của quê nhà làm thương hiệu cho loại gạo đặc sản của mình.
Tỉnh Yamagata đã ban hành 4 tiêu chuẩn sản xuất loại gạo Tsuyahime, gồm diện tích, tiêu chuẩn trồng trọt, nhà sản xuất phải được cấp chứng nhận và phải đảm bảo chất lượng mới được lưu hành trên thị trường…”, ông Koji Takeuchi nói.
Nhật có bảng đối chiếu, so sánh hoặc cách giới thiệu từng loại gạo nào ăn với thức ăn nào, món gì thì mới đạt được hương vị ngon nhất. Họ cũng có hướng dẫn nấu như thế nào để gạo được ngon, ăn nguội hay ăn nóng mới ngon. “Đối với Tsuyahime, chúng tôi có câu Ngon ngay khi nấu và ngon ngay cả khi nguội“, ông Koji Takeuchi nói.
Ông cho biết thêm ở Nhật Bản sản xuất gạo ngon đặc trưng là tiền đề lớn. Chính phủ và công ty xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất, cũng như hướng dẫn kỹ thuật để duy trì và nâng cao danh tiếng gạo. Sản phẩm được giới thiệu rộng để trở thành thương hiệu hàng đầu trong phân khúc giá, quan tâm các biện pháp đối phó với hàng giả và ghi nhận phản hồi của khách hàng.
Hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức tại TP Sóc Trăng ngày 10-12, với hơn 150 khách mời là doanh nhân, lãnh đạo, chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề đã được đề cập trong hội thảo, như xây dựng thương hiệu gạo, thương hiệu quốc gia, thảo luận “Xây dựng thương hiệu – bài toán khó cho lúa gạo Việt Nam”, “Xây dựng thương gạo Việt – thách thức và cơ hội”…