Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, trên trục lộ giao thông thủy bộ nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Có bờ biển dài 72km và 03 cửa sông lớn Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra biển Đông.
Địa lý hành chính của Sóc Trăng nhiều lần thay đổi theo sự biến thiên của lịch sử. Vào năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng trong (Nam bộ) và tiến hành xác lập địa giới hành chính vùng đất này, lập thành phủ Gia Định. Lấy đất Đồng Nai (Nông Nại) làm huyện Phước Long và đặt dinh Trấn Biên, lưu mộ dân từ Quảng Bình trở vào đến ở, chia đặt thôn, ấp. Năm 1732, chúa Nguyễn lập dinh Long Hồ tại Cái Bè (lúc đó là Cái Bè Dinh), năm 1780 được đặt tại vùng chợ Vĩnh Long và đổi tên là Vĩnh Trấn Dinh, sau đó đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Lúc này Sóc Trăng thuộc vùng Ba Thắc (nằm trong trấn Vĩnh Thanh, phủ Gia Định).
Năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam kỳ thành 06 tỉnh, 03 tỉnh miền Đông là: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; 03 tỉnh miền Tây gồm: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Vùng đất Sóc Trăng thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1835 lại lấy đất Ba Thắc (tức vùng đất Sóc Trăng) nhập vào tỉnh An Giang, lập thêm phủ Ba Xuyên, gồm 03 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Đây là điểm mốc có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng về địa danh hành chính tỉnh Sóc Trăng sau này.
Năm 1867, thực dân Pháp chiếm 03 tỉnh miền Tây trong đó có Sóc Trăng, sau đó Pháp chia Nam kỳ lục tỉnh thành nhiều hạt. Đến năm 1876, thực dân Pháp chia toàn Nam kỳ thành 04 khu vực hành chính gồm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Sắc (Bassac), mỗi khu vực hành chính lớn lại chia nhỏ thành nhiều tiểu khu, tiểu khu Sóc Trăng thuộc khu vực Bát Sắc. Năm 1882, Pháp tách 02 tổng của tiểu khu Sóc Trăng và 03 tổng của tiểu khu Rạch Giá thành lập thêm tiểu khu Bạc Liêu. Tiếp theo một vài thay đổi (tách, nhập, xóa bỏ), nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 27/12/1892 quy định Nam kỳ có 02 thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và 20 khu xếp theo thứ tự A, B, C như sau: Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long. Đến tháng 5/1895, lập thêm thành phố Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Nghị định ngày 20/12/1899 của toàn quyền Đông Dương quy định: Kể từ ngày 01/01/1900, tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương (trong đó có cả các khu ở Nam kỳ) đều thống nhất gọi là tỉnh (Province). Đứng đầu mỗi tỉnh ở Nam kỳ là một chủ tỉnh, cũng gọi là Chánh Tham biện (Administrateur de la). Cho đến cuối thời kỳ Pháp thuộc, 20 tỉnh vẫn giữ nguyên tên cũ. Tỉnh Sóc Trăng thuộc miền Tây Nam kỳ, gồm 03 quận: Châu Thành, Kế Sách, Bang Long (nay là Long Phú).
Bản đồ hành chính Sóc Trăng thời Pháp thuộc.
Năm 1926 thực dân Pháp chia tỉnh Sóc Trăng thành 04 quận: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và Phú Lộc. Năm 1932, Thống đốc Nam kỳ quyết định giải tán một số quận trong các tỉnh Nam kỳ, nhưng đến năm 1941, Thống đốc Nam kỳ quyết định thành lập lại quận Phú Lộc.
Về phía ta, sau Cách mạng tháng 8/1945, quận Phú Lộc được gọi là quận Thạnh Trị. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Sóc Trăng có thêm quận Vĩnh Châu của tỉnh Bạc Liêu giao qua. Sau đó, ta nhập huyện Vĩnh Châu vào huyện Thạnh Trị lấy tên là Thạnh Trị. Cũng trong thời kỳ này, Sóc Trăng có thêm một số xã của tỉnh Rạch Giá và Cần Thơ giao qua.
Năm 1955, thực hiện sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, tỉnh Sóc Trăng giao huyện Vĩnh Châu cho tỉnh Bạc Liêu. Cuối năm 1957 tỉnh Sóc Trăng nhận thêm thị xã Bạc Liêu và các huyện: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu và huyện Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá. Cũng trong năm này, tỉnh Sóc Trăng sáp nhập 02 huyện Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu thành một huyện lấy tên là Vĩnh Lợi – Vĩnh Châu (năm 1962 lại tách 02 huyện ra như cũ). Đầu năm 1958 huyện Kế Sách sáp nhập về tỉnh Cần Thơ. Như vậy, vào thời gian này tỉnh Sóc Trăng có 02 thị xã (thị xã Sóc Trăng, thị xã Bạc Liêu) và 07 huyện (Châu Thành, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai).
Tháng 11/1973, theo quyết định của Khu ủy Tây Nam bộ, Sóc Trăng giao các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu cho tỉnh Bạc Liêu (riêng huyện Giá Rai giao lại cho tỉnh Cà Mau từ năm 1961). Nghị định số 31/NĐ, ngày 21/2/1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quy định giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang.
Trong kỳ hợp lần thứ 10 (khóa VIII) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 26 tháng 12 năm 1991, quyết định tách tỉnh Hậu Giang thành 02 tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ. Tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 4/1992 gồm các huyện: Mỹ Tú, Kế Sách, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu và thị xã Sóc Trăng.
Ngày 11/01/2002, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 04/2002/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú và thành lập thêm huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ngày 31/10/2003, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 127/2003/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Thạnh Trị và thành lập thêm huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ngày 08/2/2007, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 22/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng. Ngày 24/9/2008, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 02/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mỹ Tú và thành lập thêm huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Đến ngày 23/12/2009, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính hai huyện Mỹ Xuyên, Long Phú và thành lập thêm huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Tính đến năm 2019, Sóc Trăng có diện tích 3.311,9 Km2; đơn vị hành chính của tỉnh có 01 thành phố, 02 thị xã, 08 huyện với 109 xã, phường, thị trấn, gồm: Thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, huyện Trần Đề, huyện Mỹ Xuyên, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú, huyện Châu Thành, huyện Kế Sách, huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung.
Kết quả điều tra dân số năm 2019 cho thấy, tổng số nhân khẩu điều tra toàn tỉnh là 1.199.653 người (giảm 93.200 người so với tổng điều tra năm 2009), trong đó có 597.992 nam và 601.731 nữ, tỷ lệ nữ chiếm 50,16% tổng dân số toàn tỉnh, mật độ dân số 362 người/km2; dân tộc Kinh là 774.807 người, dân tộc khác là 424.864 người.
Dân cư Sóc Trăng chủ yếu là ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa đã cùng chung sức khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất này. Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm ngày càng được củng cố bền vững. Tinh thần yêu nước của nhân dân Sóc Trăng được thể hiện ngay từ buổi khai phá, mở mang vùng đất mới đã anh dũng chiến đấu chống lại bọn cướp biển Java (nay là Indonesia), quân xâm lược Xiêm La (nay là Thái Lan), giữ gìn xóm làng quê hương, bảo vệ mồ mả ông bà tổ tiên. Cùng với nghĩa quân Tây Sơn đánh 05 vạn quân Xiêm (do Nguyễn Ánh cầu viện) xâm lược nước ta, làm nên chiến thắng lịch sử ở Rạch Gầm – Xoài Mút.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn hèn nhát dâng ba tỉnh miền Đông, rồi dâng ba tỉnh miền Tây Nam kỳ cho giặc Pháp. Nhân dân Sóc Trăng cùng với nhân dân lục tỉnh đã kiên cường tham gia phong trào khởi nghĩa chiến đấu chống giặc Pháp do các sỹ phu yêu nước lãnh đạo như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực… Không chỉ bằng những cuộc đấu tranh chống giặc, nhân dân Sóc Trăng còn tham gia những cuộc vận động yêu nước, vận động chính trị để giành độc lập cho dân tộc. Phòng trào yêu nước do cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh khởi xướng đã lan rộng đến Sóc Trăng. Hội kín “Thiên địa hội” xuất hiện ở ngay thị xã Sóc Trăng. Các phong trào vận động yêu nước đó đã khơi dậy thể hiện truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta để lại.
Phát huy truyền thống của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, nhân dân Sóc Trăng đã làm nên những chiến thắng vẻ vang qua các chặng đường lịch sử, đặc biệt đã vùng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, điển hình là cuộc nổi dậy của quân dân Hòa Tú chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai. Tuy cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị địch khủng bố đẫm máu nhưng nhân dân Sóc Trăng vẫn giữ vững niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, cùng với cả nước làm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bước vào cuộc kháng chiến 09 năm chống thực dân Pháp xâm lược với sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần chiến đấu ngoan cường, nhân dân Sóc Trăng đã góp phần cùng cả nước đánh thắng kẻ thù hung bạo, buộc thực dân Pháp phải rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Bộ mặt đô thị thành phố Sóc Trăng ngày càng khang trang, xanh – sạch – đẹp
Năm 1954, hòa bình lặp lại chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ lại tiếp tục can thiệp và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Mặc dù kẻ thù lần này tàn bạo, nguy hiểm, vũ khí hiện đại gấp nhiều lần so với trước. Nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng và ý chí kiên cường, nhân dân Sóc Trăng một lần nữa cùng cả nước đứng lên quyết chiến đấu, không sợ hy sinh gian khổ, người trước ngã, người sau xông tới tiêu diệt quân thù, thực hiện lời Bác dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do” suốt 21 năm đã làm nên chiến thắng vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam và quê hương Sóc Trăng ngày 30/4/1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủa nghĩa. Cùng với cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Trải qua bao thăng trầm biến cố và phát triển của lịch sử, các dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng đã có mối quan hệ gắn bó huyết thống, xây dựng nên tinh thần thân ái, đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, tôn trọng nhau trong sinh hoạt, phong tục tập quán, tự do tín ngưỡng… tạo nên cuộc sống hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng các dân tộc. Đặc biệt, trong quan hệ giao tiếp, người dân lao động ở đây còn thể hiện đức tính quý trọng nhân nghĩa, thẳng thắn, bộc trực, sống hào phóng, giản dị, tình cảm mộc mạc chân thành, đó là bản tính truyền thống của người dân Nam bộ nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng./.
Ban Biên tập