Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, năm 2023, có trên 2,9 triệu lượt khách đến Sóc Trăng; tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.550 tỷ đồng, 4,4% so năm 2022.
Ông Trần Minh Lý – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng chia sẻ: Sóc Trăng có chiều dài bờ biển là 72km, có 3 cửa sông lớn là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh nên rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Toàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ kết nối Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực để phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh còn là vùng đất kết tinh nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa thể hiện qua hệ thống chùa chiền đa dạng, kiến trúc đặc sắc, lễ hội văn hóa đặc trưng.
Để ngành du lịch phát triển, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, đề án nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch nhanh và bền vững. Đồng thời, hỗ trợ các cá nhân, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế địa phương.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã đầu tư trên 2.500 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình giao thông phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh còn khai thác nhiều dự án để phát triển sản phẩm du lịch từ nguồn kinh phí xã hội hóa, công nhận 4 điểm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, tháng 4/2022 UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 3.588,5 tỷ đồng.
“Mục tiêu chung của dự án là đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển”, ông Trần Minh Lý nhấn manhk
Bà Lê Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong năm 2024, ngoài tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, đơn vị còn tham mưu triển khai thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Sóc Trăng, Đề án chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Sóc Trăng, Dự án phát triển du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp du lịch văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Hiện trung tâm đang triển khai xây dựng Đề tài Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch sông nước của tỉnh.
Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Sóc Trăng tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước, tỉnh còn triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tích hợp các công cụ hiện đại trong chương trình xúc tiến du lịch, triển khai kích cầu du lịch nội tỉnh, tư vấn xây dựng thương hiệu cho các địa bàn du lịch trọng điểm, các sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương… Các đề án, dự án triển khai hiệu quả sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ông Trần Minh Lý – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: Năm 2024, tỉnh sẽ nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, tiếp tục khảo sát, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiếp cận và tham gia vào hoạt động du lịch.
Đồng thời ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu trong hoạt động du lịch, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc triển khai, quán triệt nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển.
“Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm du lịch, các hộ cộng đồng, du lịch Sóc Trăng đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ”, – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng nhận định.