STO – Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Sóc Trăng có tổng số 189 sản phẩm đạt các sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao OCOP (gạo ST25), 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP và 169 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP của 102 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh); có 8 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm an toàn. Để đạt được kết quả trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai sâu rộng đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân về Chương trình OCOP. Cụ thể, đã đưa cán bộ được giao phụ trách Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện, xã tham gia các lớp tập huấn về chương trình, nhằm nắm vững các quy định của chương trình triển khai thực hiện tại các địa phương một cách hiệu quả, thiết thực. Từ đó, phát triển các sản phẩm đặc trưng tiềm năng của địa phương để tham gia Hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh.
Sóc Trăng có 189 sản phẩm đạt các hạng sao OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU
Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) phát triển các sản phẩm OCOP đều là các nông sản, thủy sản tươi sống đặc trưng có sẵn tại địa phương. Các sản phẩm này được hộ kinh doanh và hợp tác xã chế biến ra như: mứt vỏ cam xoàn sấy dẻo, rượu cam xoàn, mứt me Mai Anh, mắm tép không vỏ, mứt mận, mứt ô mai mận, ba ba đông lạnh, đường phèn, đường cát trắng… Theo đồng chí Nguyễn Thanh Điền – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, Chương trình OCOP thu hút sự tham gia của các chủ thể có sản phẩm đặc sản của địa phương. Các chủ thể được trang bị kiến thức về các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và điều kiện sản xuất, kinh doanh của các sản phẩm OCOP.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Điền, để phát triển thêm các sản phẩm đạt hạng sao OCOP trong thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng. Hỗ trợ chủ thể làm tem truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại sản phẩm xuất phát từ chính nhu cầu của chủ thể; hỗ trợ nguồn lực để chuẩn hóa sản phẩm, tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chuẩn tham gia các kênh xúc tiến thương mại. Tăng cường sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo lợi ích hài hòa giữa các bên. Hướng dẫn chủ thể OCOP viết câu chuyện sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm; trang thiết bị sản xuất sản phẩm OCOP.
Lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Sóc Trăng và các địa phương rất quan tâm đến việc phát triển cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm an toàn tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, để xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh THÚY LIỄU
Đồng chí Lê Văn Đáng – Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng cho biết, mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Sóc Trăng có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 6 – 7 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 5 sao. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân một cách thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cấp xã; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người dân. Rà soát, ban hành nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP theo từng hạng sao; hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng sản phẩm; hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến quy mô nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện của địa phương. Phát triển vùng nguyên liệu địa phương và tiếp cận các nguồn tín dụng.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở, hộ sản xuất. Trang bị kỹ năng làm nông nghiệp cho thanh niên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý, sản xuất, kết nối thị trường, áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa…
Chương trình OCOP là giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và góp phần giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Từ giá trị Chương trình OCOP đem lại cho các địa phương, đặc biệt là chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung nâng chất sản phẩm OCOP cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt chú trọng nâng chất chất lượng, mẫu mã sản phẩm đạt hạng sao OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để phát huy tiềm năng, lợi thế sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm OCOP trong các dịp hội chợ trong và ngoài tỉnh; trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm OCOP của tỉnh, nhằm mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
THÚY LIỄU