Chiều 19/3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu tiếp xã giao Đoàn Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM và các doanh nghiệp Trung Quốc đến gặp gỡ và kết nối với các doanh nghiệp.
Giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh, thành của ĐBSCL, có diện tích tự nhiên hơn 3.200km2 và bờ biển dài 42km.
Theo ông Trần Văn Lâu, kinh tế địa phương có thế mạnh là nông nghiệp. Tổng sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn; thủy sản khoảng 375.000 tấn mỗi năm. Xuất khẩu hàng năm khoảng hơn 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo trên 410 triệu USD.
Năm 2023, tăng trưởng GDP của Sóc Trăng đạt 5,77%. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng hơn 60 triệu đồng/người/năm.
Sóc Trăng định hướng phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.
Với quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh có dự án Cảng Trần Đề nằm trong quy hoạch cảng biển Việt Nam. Cảng này nằm ngoài khơi, cách đất liền khoảng 20km.
Về hệ thống giao thông, trên địa bàn tỉnh đang triển khai dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và trong tương lai sẽ có thêm tuyến cao tốc kết nối từ Châu Đốc đến biên giới Campuchia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang đầu tư dự án cầu Đại Ngãi nối liền từ Sóc Trăng qua Trà Vinh để đến TP.HCM.
“Hạ tầng giao thông khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ với cả vùng, rất thuận lợi để phát triển kinh tế theo đường bộ, đường biển và đường sông”, ông Trần Văn Lâu nói.
Về công nghiệp, tỉnh quy hoạch từ nay đến 2030 có 5 khu công nghiệp; 18 cụm công nghiệp; 20 dự án điện gió cũng được chủ trương đầu tư trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 dự án của Trung Quốc. Ông bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án của nước bạn trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi gặp, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường bày tỏ sự ấn tượng với những thành tựu của tỉnh Sóc Trăng.
Ông Tường nhận định, hai bên có tiềm năng hợp tác rộng lớn, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đầu tư hợp tác tốt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ông mong muốn được trao đổi với chuyên gia lúa gạo của Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác sâu rộng hơn, nhất là việc trồng lúa và tăng giá trị lúa gạo trong bối cảnh xâm nhập mặn đang diễn ra.