Việc tổ chức lớp nằm trong Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong năm 2024, khóa học gồm 6 lớp (4 lớp căn bản, 1 lớp nâng cao và 1 lớp biên – phiên dịch), với tổng số 247 học viên. Trong đó, phân bổ Ban Dân tộc tỉnh 1 lớp đào tạo trình độ căn bản với 40 học viên, kinh phí đào tạo được sử dụng từ kinh phí của Chương trình MTQG 1719).
Về Chương trình học, đối với lớp căn bản và biên – phiên dịch, các học viên học trong thời gian 4,5 tháng, tương đương 300 tiết học. Sau khi kết thúc khóa học sẽ tổ chức kiểm tra, cấp chứng nhận cho lớp căn bản và cấp chứng chỉ cho lớp biên – phiên dịch.
Đối với lớp nâng cao, các học viên sẽ học 6,5 tháng, tương đương với 450 tiết học; sau khi kết thúc khóa học, Ban Tổ chức sẽ tổ chức thi và cấp Giấy chứng nhận và Chứng chỉ tiếng DTTS (tiếng Khmer).
Phát biểu tại Lễ khai giảng, bà Hồ Thị Cẩm Đào – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: Qua thực tiễn công tác, một trong những khó khăn, hạn chế đối với hầu hết cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có đông đồng bào Khmer, cũng như công tác ở các ngành, lĩnh vực đòi hỏi giao tiếp trực tiếp với đồng bào Khmer là không biết tiếng Khmer. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, cũng như việc tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và công tác tuyền truyền, vận động người dân ở vùng đồng bào Khmer chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Để khắc phục khó khăn, hạn chế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án Đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, đã đào tạo 741/680 học viên (đạt tỷ lệ 108,9% chỉ tiêu theo tiến độ). Công tác đào tạo tiếng Khmer từng bước đi vào nền nếp; chất lượng, hiệu quả đào tạo ngày càng được nâng lên”, bà Hồ Thị Cẩm Đào cho hay.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng, bà Hồ Thị Cẩm Đào đề nghị Ban Chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo triển khai, phấn đấu để thực hiện tốt nhất kế hoạch đào tạo. Chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học để đạt hiệu quả cao hơn, nhằm giúp học viên dễ nắm bắt, nâng cao sự hiểu biết, vốn kiến thức về tiếng nói, chữ viết cũng như phong tục tập quán của đồng bào Khmer.
Từ đó, vận dụng có hiệu quả trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là nâng cao khả năng tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS.
Nguồn: https://baodantoc.vn/soc-trang-247-hoc-vien-tham-gia-lop-dao-tao-tieng-khmer-nam-2024-1728532964921.htm