Ngày 19.10, trả lời PV Thanh Niên vụ việc nữ nhân viên y tế đăng clip uống thuốc tự tử, ông Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã có kết luận chính thức nội dung tố cáo đối với ông T.V.S, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) H.Phước Long.
Nhiều nội dung tố cáo sai
Cụ thể, ngày 22.8, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu nhận được đơn của bà T.T.Đ (43 tuổi), viên chức Phòng khám răng – hàm – mặt, TTYT H.Phước Long, tố cáo ông T.V.S, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc TTYT H.Phước Long, có các hành vi “cưỡng bức lao động, phân biệt đối xử, trù dập nhân viên, sử dụng lao động không qua đào tạo”.
Ngày 30.8, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu ban hành quyết định thụ lý đơn tố cáo. Qua xác minh, làm rõ, Giám đốc Sở Y tế có kết luận nội dung tố cáo đối với ông S..
Đối với nội dung bà Đ. tố cáo ông S. “cưỡng bức lao động”, qua xác minh, trong quá trình điều động bà Đ. từ Khoa khám bệnh đến Phòng Tổ chức – Hành chính là theo đề nghị của Khoa khám bệnh, nhằm ổn định về tổ chức để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Trước khi điều động, được sự thống nhất của Ban giám đốc, có thông báo đến tập thể Khoa khám bệnh và bà Đ. Việc điều động được thực hiện đúng quy định và trình tự, không có dùng biện pháp vũ lực, đe dọa để ép bà Đ. Việc điều động bà Đ. là áp dụng theo các quy định trong điều động viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hay bổ nhiệm viên chức. Qua làm việc, nội dung bà Đ. cung cấp không chứng minh được ông S. có hành vi cưỡng bức lao động đối với bà. Vì vậy, nội dung tố cáo này là tố cáo sai.
Đối với nội dung bà Đ. tố cáo ông S. “phân biệt đối xử”, qua xác minh, bà Đ. cung cấp năm 2018, có 1 đảng viên Khoa sản không nhận quyết định bổ nhiệm, nhưng đảng viên đó không bị hình thức kỷ luật nào. Một thời gian sau, đảng viên đó được điều về nơi khác có phụ cấp cao hơn. Trước khi điều động các nhân viên của trung tâm điều được trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình nhưng bà Đ. thì không được trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình. Bà Đ. khẳng định nội dung này là hành vi phân biệt đối xử đối với bà tại buổi làm việc với Tổ xác minh. Đối chiếu với khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019, căn cứ theo tài liệu bà Đ. cung cấp thì đây không phải là hành vi phân biệt đối xử đối với bà Đ.
Gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân
Theo kết luận, trước khi điều động viên chức, trung tâm đã căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và được sự thống nhất của tập thể Ban giám đốc. Việc phân công, điều động bà Đ. nhận nhiệm vụ mới, xuất phát từ tình hình bất ổn tại Khoa khám bệnh sau khi bà Đ. liên tục livestream, phát tán thông tin lên mạng xã hội về vấn đề thuốc tê và tình hình điều trị tại Phòng khám răng – hàm – mặt của Khoa khám bệnh. Khu vực này có hàng trăm lượt bệnh nhân đến điều trị mỗi ngày, làm hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân, thân nhân người bệnh và người dân trên địa bàn. Một bộ phận người dân trên mạng xã hội không hiểu được hết nội tình của trung tâm vào bình luận trên Facebook của bà Đ. với lời lẽ không chuẩn mực, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám, chữa bệnh của trung tâm.
Ngoài ra, việc điều động bà Đ. cũng dựa trên cơ sở ý kiến tập thể của lãnh đạo Khoa khám bệnh nhằm sớm ổn định tình hình khám, chữa bệnh của Khoa khám bệnh, bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình điều động, phân công nhiệm vụ mới cho bà Đ., đơn vị cần gặp gỡ, trao đổi với viên chức để viên chức nắm và hiểu nhiệm vụ mới được giao.
Đồng thời, cùng thời điểm phân công, điều động bà Đ., Ban giám đốc đã thực hiện điều động nhiều viên chức khác để phù hợp với tình hình hoạt động hiện tại của trung tâm chứ không phải riêng bà Đ. Do đó, nội dung tố cáo này là tố cáo sai.
Đối với nội dung bà Đ. tố cáo ông S. “trù dập nhân viên”, ngày 4.1.2021, với thẩm quyền của Giám đốc, ông S. đã ký quyết định phân công bà Đ. phụ việc cho Phòng khám răng – hàm – mặt. Đây là nơi được hưởng tiền thủ thuật cao (trung bình khoảng năm triệu đồng/tháng), ít có viên chức nào của đơn vị ở trình độ trung cấp được hưởng như trên. Mặc dù, trong thời điểm này bà Đ. chưa học chứng chỉ răng – hàm – mặt. Mặt khác, bà Đ. là y sĩ hạng 4 nên việc điều động bà về Phòng Tổ chức – Hành chính là phù hợp. Qua đó khẳng định, ông S. chưa có dấu hiệu trù dập đối với nhân viên nói chung và bà Đ. nói riêng. Do đó nội dung tố cáo này là tố cáo sai.
Đối với nội dung bà Đ. tố cáo ông S. “sử dụng lao động không qua đào tạo”, hiện nay, Bộ Y tế không quy định việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các danh mục kỹ thuật chuyên môn cho điều dưỡng. Do đó điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là người phụ giúp bác sĩ thực hiện các kỹ thuật chuyên môn và không có quy định là người giúp việc chuyên môn phải được đào tạo chuyên ngành đó mới được giúp việc chuyên môn thuộc lĩnh vực đó. Như vậy, ngày 21.8.2023, Khoa khám phân công bà N.T.L, văn bằng chuyên môn: Hộ sinh viên, giúp việc chuyên môn tại Phòng khám răng – hàm – mặt là phù hợp. Do đó, nội dung tố cáo này là tố cáo sai.
Yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm
Ông Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, kết luận nội dung tố cáo đối với ông S., Giám đốc TTYT H.Phước Long nêu trên, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đề nghị Giám đốc TTYT H.Phước Long chỉ đạo Phòng Tổ chức – Hành chính trong thời gian tới tham mưu chặt chẽ hơn trong quá trình điều động viên chức. Phòng Tổ chức – Hành chính nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tham mưu điều động viên chức cần gặp gỡ, trao đổi với viên chức để viên chức nắm và hiểu nhiệm vụ mới được giao. Trên cơ sở giải quyết nội dung tố cáo đối với ông S., Sở Y tế yêu cầu TTYT H.Phước Long nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 15 giờ 45 ngày 22.8, tại buồng khám nha, thuộc TTYT H.Phước Long xảy ra sự việc bà Đ. uống thuốc tự tử, may mắn được phát hiện kịp thời. Bà Đ. còn đăng clip uống thuốc tự tử gây xôn xao dư luận, người nhà bà còn đến trung tâm la lối, gây mất an ninh trật tự. Nguyên nhân ban đầu là bà Đ. bức xúc trước quyết định phân công nhiệm vụ mới của Giám đốc TTYT H.Phước Long (Bạc Liêu) đối với cá nhân bà.