Nhiều dự án chưa đủ điều kiện
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều dự án bất động sản được các chủ đầu tư xây dựng phát triển. Trên thị trường xuất hiện thông tin quảng cáo rầm rộ, nhiều công ty môi giới làm lễ kich off, chào mời khách hàng mua dự án.
Tuy nhiên, một số dự án vẫn chưa đủ điều kiện pháp lý, chưa được mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn dưới mọi hình thức và đặc biệt không được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương công nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Chiều ngày 23/4, trong buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đại diện Sở Xây dựng đã công bố công khai thông tin về một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh này chưa đủ điều kiện huy động vốn và chưa đầy đủ các pháp lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án bất động sản, nhà ở… chưa đầy đủ các điều kiện pháp lý, chưa được huy động vốn. Các dự án đều được Sở công khai thông tin và có nhiều biện pháp để cảnh báo ngăn chặn tình trạng huy động vốn trái phép dưới nhiều hình thức”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã nêu ra các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý chưa được Sở cấp phép trong việc kinh doanh mua bán. Đơn cử dự án chung cư cao tầng khối B4, thuộc khu liên hợp cao ốc Sóng Thần, khu phức hợp Charm Plaza 1 (có tên thương mại là Charm Diamond) do Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam (DCT Group) thuộc Tập đoàn Charm Group làm chủ đầu tư.
Dự án Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ văn phòng (tên thương mại Picity Sky Park) trên địa bàn phường An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), dự án Picity Sky Park do Công ty CP Khách sạn Đầu tư Kim Sơn làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư Phát triển Pi Group là đơn vị phát triển.
Hay dự án SYCAMORE tại thành phố Thủ Dầu Một có quy mô hơn 18ha, với gần 3.500 căn hộ do Tập đoàn Capitaland đang phát triển.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết, đối với các dự án trên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chưa nhận được văn bản của chủ đầu tư đề nghị được chấp thuận về việc chấp thuận đủ điều kiện huy động vốn hoặc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai…
“Những dự án vừa nêu đều chưa đầy đủ các điều kiện pháp lý, chưa được cơ quan chức năng cho phép đủ điều kiện huy động vốn, góp vốn… chấp thuận bán nhà ở hình thành trong tương lai. Các công ty môi giới, công ty liên kết với chủ đầu tư tổ chức huy động vốn dưới các hình thức đều vi phạm các quy định của pháp luật”, ông Tuấn Anh thông tin.
Chỉ mua nhà khi đủ pháp lý để tránh rủi ro
Thực tế cho thấy, hiện nay không ít các chủ đầu tư, công ty phát triển dự án, đơn vị môi giới “lách luật” thực hiện việc tổ chức mua bán huy động vốn dưới các hình thức như “Phiếu ưu cầu quyền ưu tiên, phiếu đặt cọc, phiếu đăng ký nguyện vọng…”. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng thì đây là những giao dịch dân sự giữa người dân và các công ty nên rủi ro xảy ra tranh chấp là có thể.
Theo thông tin của Sở Xây dựng Bình Dương, nhiều dự án ban đầu xin chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, nhưng chưa được phép mua bán một số sàn đã tiến hành huy động vốn từ khách hàng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư lại xin điều chỉnh dự án, điều chỉnh 1/500 theo quy hoạch mới. Điều này khiến thời gian hoàn thành dự án lại kéo dài, nên đã từng xảy ra một số vụ việc khiếu kiện, khiếu nại gây ảnh hưởng tới người mua nhà.
Thậm chí, có những dự án đã gần hoàn thiện nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng hoặc bàn giao cho người dân vì vướng pháp lý, kiện tụng kéo dài giữa khách hàng và chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án và các sàn môi giới.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết: “Để hạn chế việc các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án ‘bắt tay’ với các công ty môi giới mua bán, huy động vốn dự án khi chưa đủ điều kiện pháp lý, Sở Xây dựng đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết không bán hàng, nhận tiền của người dân. Ngoài ra, Sở cũng có rất nhiều văn bản báo cáo, khuyến cáo trên khắp địa bàn tỉnh, quán triệt với địa phương quản lý chặt các dự án trên địa bàn”.
“Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tuyên truyền, thông tin rõ về các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh. Để thiết thực hơn, Sở phối hợp cùng thực hiện cắm hàng loạt các bảng cảnh báo trước dự án. Công bố thông tin liên tục trên website của Sở. Trong các cuộc họp báo, lãnh đạo Sở cũng chia sẻ với các có quan báo chí về tình hình pháp lý dự án để truyền thông rộng rãi tới người dân, khách hàng”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
“Các dự án đủ điều kiện kinh doanh, huy động vốn, ký hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai đều được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương công bố trên trang web của Sở. Chính vì vậy trước khi giao dịch mua bán nhà đất, người dân cần phải tìm hiểu kỹ thông tin. Như tra cứu trên mạng, tại chính quyền địa phương… Việc này là rất cần thiết và tránh được những rủi ro không đáng có”, Tuấn Anh cho biết thêm.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khuyến cáo, người dân không nên quá tin tưởng vào những lời môi giới, quảng cáo hay các thông tin được đăng tải trên mạng xã hội về nhà đất.
“Việc cơ quan chức năng khuyến cáo thường xuyên, người dân cần nắm bắt và lưu ý, tránh để xảy ra tình trạng chuyển tiền cho các đơn vị, sau đó xảy ra sự cố. Những giao dịch của người dân và các công ty môi giới đều là giao dịch dân sự, nên nếu có tranh chấp thì phải làm theo các thủ tục quy định của pháp luật. Đơn cử là gửi đơn tới toà để được giải quyết, khi này sự việc sẽ phức tạp hơn”, ông Tuấn Anh cảnh báo.