Trình bày Báo cáo thực hiện công tác năm 2023 và nhiệm vụ công tác năm 2024, ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, trong năm 2023, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, Sở đã thực hiện tốt, kịp thời các nhiệm vụ được giao trong triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình. Phối hợp xây dựng quy hoạch, kế hoạch thuộc các lĩnh vực ngành Tài nguyên và Môi trường đã được chỉ đạo triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ được giao để cập nhật Quy hoạch tỉnh 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hoàn thành và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 các huyện, thành phố, thị xã.
Trong lĩnh vực đất đai, ông Phan Xuân Hào cho biết, đã được Sở, các địa phương cấp huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh), công tác phát triển quỹ đất tiếp tục được chỉ đạo, triển khai. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được triển khai quyết liệt; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; vận hành thử phương thức thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể, năm 2023, thực hiện cấp lần đầu 1.003 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức (158,57 ha) và 1.327 giấy chứng nhận cho hộ gia đình (50,31 ha); cấp đổi, cấp lại (kể cả cấp do chia tách, hợp thửa hoặc thực hiện các quyền) 108 giấy chứng nhận cho tổ chức (49,85 ha) và 28.802 giấy cho hộ gia đình (964,97 ha). Đến nay, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung toàn tỉnh đã thực hiện được 596.798,07 ha/625.400,26 ha, đạt 96,13%.
Lĩnh vực khoáng sản được tăng cường kiểm soát góp phần đáp ứng hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của huyện, thị xã, thành phố. Sở đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết 50 hồ sơ giấy phép, quyết định về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, báo cáo về các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và kiểm tra thực địa khu vực đăng ký khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình. Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về rà soát các vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan tới việc cấp phép các mỏ cát, đất san lấp phục vụ đường cao tốc. Hoàn thành tổng hợp số liệu báo cáo kiểm kê sản lượng khoáng sản năm 2023…
Lĩnh vực môi trường đã được quan tâm đẩy mạnh từ hoạt động cấp phép, xác nhận các hồ sơ thủ tục ban đầu cho đến tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên liên tục. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ. Năm 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ thu gom, xử lý ước tính năm 2023 đạt 81%, rác thải y tế đạt 100%. Đồng thời, tiếp tục thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 86 hồ sơ; 41 giấy phép môi trường; 1 giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn động vật hoang dã Phong Nha – Kẻ Bàng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân đã được thực hiện một cách kịp thời và có hiệu quả. Xử lý nhanh các chỉ đạo của Tỉnh, phản ánh của báo chí, kiến nghị của cử tri về ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép, tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… Lĩnh vực đo đạc, bản đồ, viễn thám, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và quản lý tổng hợp biển, hải đảo đã được quan tâm, đẩy mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian tập trung thảo luận, phân tích những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh, trong năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường Quảng Bình đã bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả tốt trên hầu hết các lĩnh vực công tác.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 nhằm nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn về đầu tư và sản xuất kinh doanh; trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, đầu tư công và các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tài nguyên và môi trường; tiếp tục chấn chỉnh, tạo sự chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Tập trung hoàn thiện Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện để có cơ sở triển khai thực hiện; tiếp tục phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; chú trọng công tác định giá đất, giải phóng mặt bằng; rà soát tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất đối với các trường hợp giao đất, cho thuê đất đã quá thời hạn quy định nhưng chưa triển khai dự án hoặc triển khai chậm tiến độ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường mà trọng tâm là Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức thức chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội.