Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho biết, năm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành chỉ tiêu kinh tế – xã hội được giao là tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom đã có sự gia tăng so với các năm trước, thực hiện đạt 85,8% (vượt so với chỉ tiêu đề ra 85%).
Sở cũng tiến hành hai cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch. Qua thanh tra, kiểm tra đã lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, với số tiền phạt 700.000.000 đồng; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 23 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản) với tổng số tiền phạt 597,6 triệu đồng.
Thực hiện 115/118 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến toàn trình và một phần (toàn trình 34 TTHC, một phần 81 TTHC). Hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,98% (tổng số hồ sơ giải quyết 14.778/14.778; có 2 hồ sơ trễ hạn; có 13 hồ sơ đã giải quyết xong nhưng chậm xử lý trên hệ thống theo dõi). So với các năm trước, mặc dù số lượng hồ sơ phát sinh nhiều hơn nhưng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục tăng qua các năm (năm 2020 đạt 84%, năm 2021 đạt 97,9%, năm 2022 đạt 99,7%).
Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh giao đất 89 trường hợp, diện tích 268,05ha; cho thuê đất 123 trường hợp, diện tích 443,41ha; gia hạn thời gian thuê đất 3 trường hợp, diện tích 0,11ha; thu hồi đất 13 trường hợp, diện tích 62,49ha; giao đất cho các huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng các khu dân cư 151 trường hợp, diện tích 257,79ha; gia hạn giao đất khu dân cư 29 trường hợp, diện tích 16,07ha; gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng 3 trường hợp, diện tích 7,06ha.
Phối hợp lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến 2050; hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của 11/11 huyện, thị xã, thành phố; Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 (11/11 huyện, thị xã, thành phố); lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) tỉnh Bình Định; hoàn thành trình HĐND tỉnh thông qua bổ sung Danh mục các công trình, dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và Danh mục các công trình, dự án có sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, dưới 20 ha đất rừng đặc dụng năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trình UBND tỉnh để phê duyệt 194 phương án; xây dựng giá đất ở cụ thể tái định cư, giá đất ở theo giá thị trường để thu tiền sử dụng đất và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng của 42 công trình dự án; thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất để tính tiền thuê đất 27 dự án trên địa bàn tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt 21 phương án đấu giá quyền sử dụng đất; tham mưu trình UBND tỉnh 19 Quyết định đấu giá quyền sử dụng đất; trình UBND tỉnh ban hành 8 Quyết định về tiêu chí đấu giá cho thuê đất thực hiện dự án; tham gia giải quyết các vướng mắc đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn đi qua tỉnh Bình Định.
Toàn ngành tập trung đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN) đối với hộ gia đình, cá nhân. Tiếp nhận và giải quyết xong 175.101 hồ sơ (trong đó, tổ chức là 2.647 hồ sơ; hộ gia đình, cá nhân là 172.454 hồ sơ). Thẩm định thiết kế kỹ thuật – dự toán kinh phí 97 công trình, dự án; phê duyệt sản phẩm đo đạc bản đồ 71 công trình, dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản 27 Giấy phép khai thác khoáng sản; 20 Giấy phép gia hạn khai thác; 15 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 14 Quyết định phê duyệt trữ lượng; 11 Quyết định điều chỉnh, bổ sung Giấy phép khai thác khoáng sản; 15 Quyết định đóng cửa mỏ; 1 Quyết định trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; 3 Quyết định cho phép trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản và 2 Giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản và 20 Bản xác nhận khu vực, công suất khối lượng cho 20 mỏ vật liệu phục vụ dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Sang năm 2024, Ngành Tài nguyên và Môi trường Bình Định nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ thuận lợi, ra sức phấn đấu, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu đã được UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ chất thải rắn ớ đô thị được thu gom 90-95%; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom 70 – 75%; xử lý lấn, chiếm đất đai 9.500 trường hợp; giải phóng mặt bằng có số lượng công trình, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng so với tổng số dự án trên địa bàn >50 % (theo địa bàn cấp huyện).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được trong năm 2023. Đồng thời, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như còn tình trạng khai thác đất, cát trái phép; thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn chưa triệt để.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu trong năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Khẩn trương xây dựng phần mềm kiểm tra, rà soát các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trước 31/3/2024.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến tới chấm dứt tình trạng hồ sơ đất đai trễ hẹn tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép và không để xảy ra các điểm nóng về môi trường.