Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 308/QĐ-UB, ngày 25/6/2003 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường. Sau 3 lần điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, đến nay Sở thực hiện tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trên 8 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; chất thải rắn; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái.
Trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, dù còn nhiều khó khăn, thách thức song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã từng bước khắc phục khó khăn, tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả quản lý các nguồn lực tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngày đầu mới thành lập, Sở có 91 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng thuộc 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 2 đơn vị sự nghiệp. Cơ sở vật chất được tiếp quản từ Sở Địa chính chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; một số nhiệm vụ nhận bàn giao không có cán bộ và tài liệu quản lý nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Sau 20 năm, tổ chức bộ máy của Sở được kiện toàn, cơ bản đáp ứng với yêu cầu thực tế công việc trên từng lĩnh vực. Đến nay, Sở có 250 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại 8 phòng, đơn vị chuyên môn nghiệp vụ và 3 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở.
Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình gắn với những kết quả quan trọng trong xây dựng tổ chức, triển khai công tác của ngành tài nguyên và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Xác định vai trò quan trọng của lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm tốt chức năng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan tài nguyên và môi trường; đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao. Đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, quyết định, đề án về lĩnh vực: quản lý đất đai; BVMT; đo đạc, bản đồ; tài nguyên nước – khoáng sản; biển, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Trong công tác quản lý đất đai, Sở đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và 5 năm trình Chính phủ phê duyệt; xây dựng phương án phân bổ đất đai đến năm 2030 trong quy hoạch tỉnh để trình Chính phủ phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, được đại bộ phận người bị thu hồi đất đồng thuận, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB, triển khai các dự án đầu tư và ổn định tình hình an ninh trật tự, giảm tình trạng khiếu kiện tại địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, hệ số sử dụng đất canh tác tăng dần qua các năm; tạo quỹ đất thực hiện dự án đầu tư, hình thành các khu đô thị; khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, công trình công cộng ở các địa phương… Toàn tỉnh đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đạt 91,3% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận; xử lý tồn tại, vướng mắc để cấp giấy chứng nhận nhận cho cơ sở tôn giáo (đạt 91% số cơ sở, 97% diện tích); thực hiện cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận, bảo đảm thời gian theo quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật đất đai.
Quan trắc môi trường không khí tại khu vực Quảng trường Thái Bình.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Sở thường xuyên phối hợp rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm, tạo chuyển biến lớn trong việc quản lý hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước, phục vụ kịp thời yêu cầu nước cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh; đưa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp. Trong công tác BVMT, Sở đã tham mưu kiểm soát, hạn chế có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường; phối hợp thẩm định các dự án vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp tính chất, ngành nghề; hạn chế dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp. Do vậy, các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đều đạt yêu cầu, có sự cải thiện dần qua từng năm, trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom xử lý, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Đã chủ trì thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tài nguyên và môi trường trên 1.700 lượt tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai tại các cơ sở tôn giáo; kiểm tra công tác cấp giấy chứng nhận tại các huyện, thành phố… Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường luôn xác định cải cách hành chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; tạo động lực và nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan.
Tập thể lãnh đạo Sở luôn ý thức được nhiệm vụ trọng trách của ngành tài nguyên và môi trường, xác định chất lượng, hiệu quả công việc và hài lòng người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu để phục vụ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính; tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện tốt chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý. Đến nay, cơ bản hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 2, 3, 4 đối với 100% thủ tục hành chính ngành tài nguyên và môi trường trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; có 72/112 thủ tục hành chính ngành tài nguyên và môi trường, trong đó 60/87 thủ tục hành chính của Sở đang triển khai theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Sở Tài nguyên và Môi trường đã để lại những dấu ấn và thành tích quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình xác định tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ của ngành từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh tạo môi trường tốt để cán bộ, công chức, viên chức rèn luyện, cống hiến.
Hai là, xây dựng và thể chế quy trình giải quyết cụ thể các quy định của pháp luật để áp dụng thực hiện về tài nguyên và môi trường, thường xuyên rà soát, nghiên cứu văn bản liên quan lĩnh vực tài nguyên môi trường để áp dụng thực hiện và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Ba là, tăng cường quản lý nghiêm túc, có hiệu quả các lĩnh vực tài nguyên và BVMT; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đẩy mạnh hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở; tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ; luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chỉ thị, quyết định, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của ngành, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Sở (DDCI) và chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tiếp cận đất đai tỉnh (PCI).
Năm là, nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân; thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, chú trọng hoạt động giám sát khắc phục vi phạm sau thanh tra, kiểm tra; phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, vụ việc mới nảy sinh ngay từ cơ sở, các vụ việc phức tạp hoặc điểm nóng kéo dài được dư luận quan tâm.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia hưởng ứng ngày Môi trường thế giới tại xã Đông Minh (Tiền Hải).
Nguyễn Văn Trường
(Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)