Giữa năm 2023, cơ quan chức năng Mỹ và Vương quốc Anh bắt giữ một vụ buôn bán cổ vật nước ngoài, trong đó xác định có bức tượng đồng, hình dáng Nữ thần Durga, xuất xứ từ tỉnh Quảng Nam. Bức tượng được trao trả lại cho Việt Nam tháng 8.2023. Đây là hai trong số nhiều pho tượng nữ thần, thuộc hàng tuyệt tác, được tìm thấy tại các di tích Chăm tỉnh Quảng Nam. Và số phận hai bức tượng nữ thần này thật khác nhau.
Năm 1978 người dân thôn Đồng Dương, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam tình cờ tìm thấy một pho tượng nữ thần bằng đồng cao gần 1,15m. Tượng nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm vỏ ốc.
Toàn bộ phần cơ thể phía trên được phô trần với bộ ngực căng đầy. Y phục phía dưới gồm một tấm váy dài gần đến cổ chân và tấm vải chồng bên ngoài. Khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày… gợi đến phong cách Đồng Dương.
Tóc của nữ thần được vấn lên thành búi cao có mang hình Phật A Di Đà. Dựa trên những đặc trưng phong cách và các dấu hiệu biểu tượng của hoa sen cầm tay, hình Phật A Di Đà trên tóc, nhiều nhà nghiên cứu đã sớm liên tưởng bức tượng này đến vị thần chủ Laskmindra Lokeshvara được đề cập đến trong văn bia tìm thấy tại Đồng Dương.
Tên gọi Tara là tên gọi mà nhà nghiên cứu Jean Boisselier đã gợi ý sau 5 năm tìm ra tác phẩm và cách gọi tên này vẫn còn gây nên ít nhiều sự băn khoăn, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu. Tác phẩm này là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất của toàn thể Đông Nam Á.
Vì giá trị độc giá này, đầu tháng 10.2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký thay Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc công nhận tượng thần Bồ tát Tara là bảo vật quốc gia
Giữa năm 2023, các cơ quan chức năng Mỹ và Vương quốc Anh bắt giữ trong một vụ buôn bán cổ vật ở nước ngoài. Thật tình cờ đáng mừng, trong đó có bức tượng đồng nữ thần Durga xuất xứ từ vùng Quảng Nam, Việt Nam.
Tháng 8.2023 hiện vật được trả lại cho Việt Nam; tháng 9.2023 UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn xin hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Nam tiếp nhận cổ vật đó. Và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, làm rõ các thông tin liên quan đến việc bức tượng.
Bức tượng Nữ thần Durga bằng đá sa thạch, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Bảo tàng Chăm Đà NẵngCăn cứ các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, để có thông tin xác định rõ địa điểm, thời gian cổ vật bị đánh cắp, đào bới bất hợp pháp và buôn bán ra khỏi địa phương trong năm 2008.
UBND tỉnh Quảng Nam đã tìm hiểu thông tin liên quan như địa điểm của di tích và vị trí, kèm các hồ sơ, tài liệu khoa học liên quan của Bức tượng đồng Nữ thần Durga. Và không lâu nữa, hiện vật sẽ quy cố hương. Cùng vẻ đẹp của một tuyệt tác điêu khắc, có niên đại hơn ngàn năm, hy vọng Nữ thần Durga sẽ trở thành một báu vật quốc gia như đồng hương của mình – tượng đồng Bồ tát Tara.
Khu di tích Mỹ Sơn và Đồng Dương được các nhà nghiên cứu Pháp tổ chức khai quật và nghiên cứu vào những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Đến nay, qua chiến tranh, thời gian di tích Mỹ Sơn và Đồng Dương bị hủy hoại khá nhiều, nhưng những hiện vật trưng bày ở đây cho ta hình dung phần nào sự nguy nga, tráng lệ của các khu đền tháp này.
Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa/so-phan-cua-hai-buc-tuong-nu-than-cham-tai-cac-khu-di-tich-quang-nam-1257918.ldo