(CLO) Theo báo cáo mới của các nhà nghiên cứu tại Anh và Sudan, trong 14 tháng đầu chiến sự ở Sudan, ước tính hơn 61.000 người đã thiệt mạng tại tiểu bang Khartoum, cao hơn đáng kể so với số liệu được ghi nhận trước đây.
Con số ước tính này bao gồm khoảng 26.000 người thiệt mạng do bạo lực, cao hơn tính toán của Liên hợp quốc.
Nghiên cứu sơ bộ của Nhóm nghiên cứu Sudan thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, được công bố vào 13/11, cho thấy nạn đói và bệnh tật đang trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu được báo cáo trên khắp Sudan.
Các nhà nghiên cứu cho biết, ước tính số ca tử vong do mọi nguyên nhân ở bang Khartoum cao hơn 50% so với mức trung bình toàn quốc trước khi xung đột giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự nổ ra vào tháng 4/2023.
Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột đã khiến 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra cuộc khủng hoảng đói kém lớn nhất thế giới. Gần 25 triệu người – một nửa dân số Sudan – cần viện trợ vì nạn đói đã xảy ra ở ít nhất một trại tị nạn.
Nhưng việc tính số người thiệt mạng lại là một thách thức. Ngay cả trong thời bình, nhiều trường hợp tử vong vẫn không được báo cáo. Khi giao tranh leo thang, nhiều người bị cô lập khỏi những nơi ghi nhận tử vong, bao gồm bệnh viện, nhà xác và nghĩa trang. Việc internet và viễn thông gián đoạn liên tục khiến hàng triệu người không thể liên lạc với thế giới bên ngoài.
Tác giả chính Maysoon Dahab, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và đồng giám đốc Nhóm nghiên cứu Sudan, cho biết nhóm đã sử dụng dữ liệu người thiệt mạng từ ba danh sách độc lập, sau đó rà soát những cá nhân có tên trên ít nhất hai danh sách. Càng ít trùng lặp giữa các danh sách thì khả năng tử vong không được ghi nhận càng cao. Các nhà nghiên cứu viết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy phần lớn trường hợp tử vong đều không được phát hiện”.
Trong số nhiều nạn nhân của cuộc chiến có Khalid Sanhouri, một nhạc sĩ đã qua đời tại khu phố Mulazmeen của Omdurman. Người hàng xóm Mohammed Omar cho biết bạn bè và người thân không thể đưa Sanhouri đi chữa trị vào thời điểm đó.
“Không có bệnh viện hay hiệu thuốc nào để chúng tôi có thể mua thuốc, thậm chí không có chợ để mua thực phẩm. Thế là chúng tôi chôn ông ấy ở đây”, Omar nói, chỉ vào một ngôi mộ ngay bên kia bức tường đầy vết đạn của nhà của nhạc sĩ. Họ thậm chí còn không thể tới được nghĩa trang gần nhất.
Người dân cho biết hàng trăm ngôi mộ đã xuất hiện bên cạnh những ngôi nhà trên khắp Khartoum kể từ năm ngoái. Với sự trở lại của quân đội ở một số khu phố, họ đã bắt đầu di dời các thi thể đến nghĩa trang chính của Omdurman.
Người quản lý tang lễ Abdin Khidir cho biết có tới 50 vụ chôn cất mỗi ngày ở đó. Nghĩa trang đã mở rộng thành một sân bóng đá liền kề. Tuy nhiên, các thi thể vẫn tiếp tục xuất hiện.
Các bên tham chiến đổ lỗi cho nhau về số thương vong ngày càng tăng. Vào tháng 9, phái đoàn điều tra thực tế của Liên hợp quốc cho biết cả hai bên đều đã phạm phải những hành vi có thể “tương đương với tội ác chiến tranh”, bao gồm cả việc tấn công dân thường.
Cuộc chiến nổ ra từ cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) trước khi chuyển giao sang chế độ dân sự theo kế hoạch. RSF nhanh chóng chiếm được hầu hết thủ đô và hiện đã lan rộng ra ít nhất một nửa đất nước, nhưng quân đội đã giành lại quyền kiểm soát một số khu phố ở Omdurman và Bahri trong những tháng gần đây.
Hoài Phương (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/so-nguoi-chet-trong-chien-su-o-sudan-co-the-cao-hon-nhieu-so-lieu-ban-dau-post321477.html