Khai thác bệnh sử, ông C. cho biết do sợ mổ, sợ biến chứng nên không đi khám hay điều trị mà tìm đến các bài thuốc không rõ nguồn gốc. Ông tìm mua cây xạ đen để hằng ngày nấu nước uống, tuy nhiên khối u không tan mà ngày càng phát triển trong 11 năm.
Phát hiện u tuyến mang tai ở cả 2 bên
Gần đây khối u ngày càng to, ông được bạn bè giới thiệu thăm khám với thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Minh Trông (Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM), chuyên gia thực hiện thành công cho nhiều ca phẫu thuật u tuyến mang tai.
Ngày 8.1, thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Minh Trông cho biết, tại phòng khám Đầu Mặt Cổ, ông C. được siêu âm, chụp MRI và sinh thiết. Kết quả ghi nhận ông C. bị u tuyến mang tai ở cả 2 bên, với kích thước u bên trái 12cm, bên phải 3cm. Bác sĩ Trông lên phác đồ điều trị, tư vấn phẫu thuật, ông C. đồng ý.
Bác sĩ Đoàn Minh Trông và ê kíp bác sĩ đơn vị Đầu Mặt Cổ phẫu thuật cho người bệnh. Bác sĩ rạch da, u đã 11 năm nên bám chặt dây thần kinh mặt và các mô tuyến mang tai. Ê kíp thận trọng, khéo léo từng chút một, tách dây thần kinh mặt mỏng như sợi chỉ ra khỏi u khổng lồ và mô tuyến mang tai. Sau đó, bóc tách khối u tuyến mang tai trái. Ê kíp tiếp tục bóc tách u tuyến mang tai phải, cắt bớt da thừa và may thẩm mỹ. Cuộc phẫu thuật thành công sau 2 tiếng đồng hồ.
Sau phẫu thuật, vết thương dài ở 2 bên mặt được khâu khéo léo, không để lộ sẹo, các hoạt động nói, cười, ăn, uống… đều bình thường.
U lành tính nhưng vẫn có thể gây liệt mặt nếu kích thước lớn
Bác sĩ Đoàn Minh Trông cho biết u tuyến mang tai là sự phát triển mạnh mẽ của các tế bào dẫn đến khối u lành tính hoặc ác tính, thường không đau. Các tuyến nước bọt trên cơ thể gồm: tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, dưới lưỡi và các tuyến phụ trong khoang miệng. U tuyến mang tai chiếm 80% các khối u tuyến nước bọt, trong đó 20% ác tính. Các u lành tính kích thước lớn gây khó nuốt, chèn ép dây thần kinh mặt dẫn đến liệt mặt. Đa số các khối u mang tai dù lành hay ác đều có chỉ định phẫu thuật. Mức độ phẫu thuật sẽ dựa bản chất khối u và khuyến cáo của bác sĩ.
Phẫu thuật khối u mang tai phức tạp, bởi dây thần kinh số VII chi phối vận động cơ mặt. Các thao tác phẫu thuật phải tỉ mỉ, chính xác, bảo tồn đủ 5 nhánh dây thần kinh mặt. Nếu phẫu thuật viên không cẩn thận dễ gây đứt, dẫn đến liệt mặt, người bệnh không nhắm mắt, ngậm miệng và biểu hiện cảm xúc.
Theo bác sĩ Đoàn Minh Trông, cây xạ đen ở Việt Nam có rất nhiều loại, nghiên cứu chưa đầy đủ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn trong quá trình sử dụng, do vậy người bệnh cần có sự hướng dẫn điều trị từ nhân viên y tế trước khi dùng lá xạ đen để phòng và điều trị bệnh. Các nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả điều trị cây xạ đen cũng còn ở quy mô nhỏ, đặc biệt chưa có nghiên cứu thực hiện trên người nên cần thận trọng khi sử dụng.
“Người dân không tự ý dùng các loại lá cây để điều trị khối u. Khi cơ thể có u, nên đi bác sĩ khám để được tư vấn, điều trị hiệu quả”, bác sĩ khuyến cáo.