Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Điểm cầu tỉnh Bến Tre có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cùng tham dự.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề vướng mắc trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ qua thời gian, tuy nhiên, kết quả hoạt động của ngành Công Thương vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 (là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3-2022). Trong đó, có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ).
Riêng tại Bến Tre, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 18.800 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 7,12% so cùng kỳ, đạt 47,47% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 31.321 tỷ đồng, tăng 7,96% so cùng kỳ và đạt 50,5% kế hoạch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, bất ổn chính trị ở một số nước trên thế giới, biến động nhu cầu thị trường… nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 693,9 triệu USD, giảm hơn 10% so cùng kỳ và đạt 40% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, phát triển ngành công thương trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành giảm 1,2%. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chung đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp trong nước. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam so với cùng kỳ giảm sâu hơn so với một số nước trong khu vực ASEAN. Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn vào thời điểm nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân…
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Để vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị trong ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc khẩn trương phối hợp hoàn thành các thủ tục để sớm đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm, nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền. Đôn đốc, giám sát chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, đồng thời bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu…
Tin, ảnh: Cẩm Trúc