Giảm thời gian làm thủ tục khám bệnh
Tới khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Định (57 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) bất ngờ khi thủ tục rất gọn lẹ. Ông đặt lịch trước và nhận giờ hẹn khám. Khi đến viện, ông đăng ký khám bằng Face ID hoặc căn cước công dân gắn chip, tất cả chỉ mất một phút. Sau xét nghiệm và chiếu chụp, kết quả được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) để bác sĩ cập nhật.
Ngoài ra, bệnh viện đã tổ chức tiếp đón qua Face ID, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giảm áp lực cho bác sĩ. Mỗi ngày, có khoảng 700-800 bệnh nhân đăng ký khám qua Face ID và CCCD, chiếm 40% số bệnh nhân. Nhờ chuyển đổi số, thời gian khám bệnh của người dân đã giảm đáng kể. Trước đây, từ khi khám, làm các xét nghiệm đến khi xong, trung bình mất khoảng 3 giờ, nay chỉ còn 1,5 giờ.
Hình thức này cũng được áp dụng tương tự ở nhiều bệnh viện khác ở Hà Nội. Bệnh viện Đa khoa SaintPaul đưa những ki-ốt tự phục vụ vào hoạt động. Người đến khám tự lưa chọn dịch vụ theo nhu cầu như: khám bệnh theo bảo hiểm y tế đúng tuyến, bảo hiểm y tế trái tuyến, đăng ký khám dịch vụ và đăng ký khám thu phí… và xác nhận bằng CCCD trên các cây ki-ốt này.
Hệ thống tự động nhận diện và đọc dữ liệu, điền đầy đủ các thông tin còn thiếu để hoàn chỉnh hồ sơ. Màn hình ki ốt cũng hiển thị các số phòng khám, trong đó ưu tiên những phòng khám đang vắng người để người dân lấy số thứ tự…
Theo đại diện bệnh viện, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân qua ki-ốt. Việc chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích, người dùng không phải dùng nhiều loại giấy tờ như trước đây, hoặc dễ dàng tra cứu hiển thị thông tin người bệnh… đầu tư thiết bị từ khâu tiếp đón đến khám chữa bệnh.
Xóa sổ bệnh án giấy
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sau khi áp dụng công nghệ số hóa, mọi dữ liệu cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, nội soi… của bệnh nhân đều được cập nhật lên phần mềm quản lý bệnh viện. Mỗi bệnh nhân vào điều trị nội trú cũng đều được cấp vòng đeo tay gắn kèm mã số (QR code).
Bệnh viện triển khai đồng bộ quy trình, từ khám ngoại trú, điều trị nội trú, đến xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và phát triển các app ứng dụng cho bác sĩ, người bệnh. Đầu tiên là việc đặt lịch hẹn khám, nhằm phân luồng, giúp người bệnh không phải chờ đợi.
Bệnh nhân có thể đặt lịch và check in dễ dàng, chuyển đổi linh hoạt giữa quy trình tiếp nhận người bệnh: Khám theo hẹn và Khám thông thường. Việc theo dõi, đánh giá cho thấy 80% người bệnh đến đúng hẹn.
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh viện còn đưa vào sử dụng hệ thống PACS trong chụp X-quang, kết quả của bệnh nhân được đẩy lên hệ thống sẽ chuyển về các phòng khám, khoa điều trị, giúp việc chẩn đoán và can thiệp sớm.
Ứng dụng này vừa giúp giảm chi phí, không cần chờ đợi lấy kết quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh do hình ảnh rõ nét hơn, giúp xác định được tỷ trọng tổn thương. Kết quả được lưu trên hệ thống với chất lượng hình ảnh tốt hơn, nên sau vài năm, bệnh viện vẫn có thể sử dụng để hội chẩn.
Việc dùng PACS có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường, do không phải huỷ phim, thuốc tráng rửa phim và mỗi năm bệnh viện cũng đã tiết kiệm 2,5 -3 tỷ đồng tiền phim.
BS Đinh Thế Tiến (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, thay vì hồ sơ bệnh án giấy như trước kia, giờ chỉ cần có mã số bệnh nhân, các bác sĩ có thể truy cập lấy ngay thông tin trên phần mềm quản lý bệnh nhân.
Với “App đi buồng”, bác sĩ tại đây có thể rà soát thông tin nhanh từ lịch sử điều trị, dị ứng thuốc, ra y lệnh ngay tại giường bệnh và cập nhật ngay lên bệnh án bệnh nhân thay vì ghi chép. Bệnh nhân cũng được xem kết quả chiếu chụp, siêu âm, xét nghiệm ngay trên ứng dụng này.
QR code cũng giúp điều dưỡng nắm thông tin người bệnh trên màn hình máy tính đặt trên xe thuốc. Trước đây, mỗi điều dưỡng mất tới 15-20 phút để thực hiện y lệnh, bao gồm cả việc ghi chép hơn 10 loại giấy tờ cho một người bệnh. Nhờ số hóa, thời gian mỗi lần đi buồng rút ngắn chỉ còn 5 phút để thực hiện y lệnh, bao gồm cập nhật mọi thông tin từ chỉ số sinh tồn, kế hoạch chăm sóc, điều trị…
“Chuyển đổi số giúp bệnh viện kiểm soát tốt quy trình, buộc nhân viên phải thực hiện đúng nguyên tắc, mang lại hiệu quả cao trong khám, chữa bệnh cho nhân dân”, BS Nguyễn Văn Thương chia sẻ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/so-hoa-y-te-xoa-canh-xep-hang-o-benh-vien-192231107154257766.htm