Đến Công ty Ðiện lực Cà Mau, chúng tôi được giới thiệu tìm hiểu công việc ở Phòng Ðiều độ. Nơi đây được ví như “bộ não” của hệ thống lưới điện tỉnh Cà Mau. Phòng được bố trí hệ thống máy tính và các thiết bị thông minh kết nối với màn hình lớn, luôn hiển thị sơ đồ lưới điện toàn tỉnh. Mỗi ca trực có 3 điều độ viên thực hiện việc quản lý vận hành, giám sát hệ thống và điều khiển tự động lưới điện thông qua hệ thống SCADA.
Thông qua phần mềm, tất cả dữ liệu về lưới điện đều được số hoá lên không gian mạng. (Trong ảnh: Ðiều độ viên theo dõi các thông số từ những trạm biến áp không người trực).
Công ty Ðiện lực Cà Mau hiện đang quản lý 10 trạm biến áp 110 KV với 16 máy, 18 tuyến đường dây cao thế chiều dài hơn 255 km, 52 tuyến đường dây trung thế dài hơn 5.500 km, đường dây hạ thế dài hơn 7.000 km… Từ khi vận hành hệ thống SCADA, những trạm biến áp trước đây có từ 6-7 người trực nay trở thành những trạm biến áp không người trực, giảm số lượng nhân viên vận hành trực tiếp, giúp tăng năng suất lao động.
Với công cụ hiện đại SCADA, toàn bộ các trạm biến áp, lưới điện trên địa bàn tỉnh được số hoá trên hệ thống điều khiển xa. Chỉ cần theo dõi, các điều độ viên biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý. Trường hợp lưới điện gặp sự cố, hệ thống SCADA cấp báo để các điều độ viên đưa ra phương án khắc phục nhanh nhất, giảm thời gian xử lý sự cố, nhanh chóng cung cấp điện trở lại cho khách hàng, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục.
Ông Huỳnh Hồng Ngân, nhân viên Phòng Ðiều độ, chia sẻ, trước đây đường dây hay trạm biến áp xảy ra sự cố, công nhân phải xuống hiện trường kiểm tra, nắm tình hình rồi báo lại với ca trực Phòng Ðiều độ để có phương án xử lý, mất từ 1-2 tiếng. Còn nay, những sự cố thoáng qua, hệ thống cài đặt tự động 10-15 giây sẽ báo lại; đối với sự cố kéo dài, như trong điều kiện thời tiết xấu do mưa, gió, bão… ảnh hưởng đến lưới điện, thì bằng cái nhấp chuột, hệ thống sẽ đóng cắt điện từ xa, đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.
Nói đến chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành lưới điện thì Chương trình quản lý kỹ thuật thiết bị PMIS là một trong những viên gạch đầu tiên. Thông qua phần mềm, tất cả dữ liệu về lưới điện (đường dây, máy biến áp, các thiết bị trên lưới điện như tụ bù, thiết bị đóng cắt, cột, xà, sứ) đều được số hoá lên không gian mạng, bao gồm các thông số kỹ thuật và các thông tin về kiểm tra định kỳ, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị. Ngoài ra, PMIS còn liên kết với các thiết bị di động hỗ trợ lực lượng công nhân nhập trực tiếp các thông tin kiểm tra đường dây và thiết bị ngoài hiện trường, sau đó đồng bộ vào phần mềm PMIS để lưu trữ thông tin. Qua đó, giúp tối ưu năng lực khai thác thiết bị, hỗ trợ lập kế hoạch mua sắm mới.
Công nhân điện lực thay máy biến áp chất lượng cao, đảm bảo ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành máy biến áp. (Ảnh do Công ty Ðiện lực cung cấp).
Theo các nhân viên của Phòng Ðiều độ, trước đây công tác theo dõi, quản lý vận hành các thiết bị điện, đường dây dẫn điện đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, như nhập dữ liệu trên bảng tính Excel, Word theo biểu mẫu chung rồi in ra, lưu tại nơi vận hành để tra cứu, theo dõi. Khối lượng hồ sơ lưu trữ lớn, mỗi lần tra cứu thông tin mất nhiều thời gian, hồ sơ dễ bị ẩm mốc, thất lạc; việc báo cáo theo kiểu truyền thống, cộng dồn mất thời gian, độ chính xác không cao. Khi có sự biến động về lưới điện, phải cập nhật dữ liệu vào nhiều file khác nhau, dễ gây nhầm lẫn, thiếu sót, dẫn đến bị động trong công tác đại tu, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị trên lưới điện.
Ðể theo dõi sự cố lưới điện nhằm giảm thời gian gián đoạn điện cung cấp cho khách hàng, phần mềm PMIS đã liên kết với chương trình quản lý mất điện (OMS), qua đó việc quản lý vận hành và quản lý mất điện cho khách hàng ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Ông Hồ Ðức Tài, Phó trưởng phòng Ðiều độ, cho biết: “Từ khi đưa các phần mềm vào công tác quản lý, vận hành lưới điện, trung tâm điều khiển của phòng đã giám sát hiệu quả lưới điện, các trạm biến áp và thao tác đóng cắt điện nhanh chóng. Hiện phòng đang nghiên cứu, giai đoạn tiền khả thi, tất cả các giải pháp công nghệ đều đo ghi từ xa, tức là khi phát hiện sự cố thì điều độ viên sẽ khoanh vùng, cô lập và tái lập trong vòng từ 5-10 phút, để cấp điện cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất”./.
Mộng Thường