Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, sự tác động của thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 tới quá trình thay đổi hình thái sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đem tới những trải nghiệm chưa từng có cho người dùng. Nhiều NHTM đã ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của Cách mạng công nghiệp 4.0 như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học… để tạo ra các dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số, đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro. Một số ngân hàng đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như TPBank với ngân hàng tự động LiveBank, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab và ngân hàng số VCB Digibank, VietinBank với core-banking thế hệ mới và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại…
Mặc dù vậy, theo ông Tú, quá trình phát triển hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mới bắt đầu. Các dịch vụ ngân hàng truyền thống như tiền gửi, cho vay… vẫn chủ yếu thực hiện qua các kênh tương tác thủ công, mức độ đa dạng và chiều sâu của dịch vụ ngân hàng hầu như ít có sự chuyển dịch và tỏ ra đơn điệu trong khoảng thời gian dài, tỷ trọng đóng góp vào kết quả kinh doanh từ các dịch vụ ngân hàng ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa cao.
TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng Quản trị, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu lựa chọn đề tài này nhằm mục đích đánh giá tổng thể mức độ phát triển dịch vụ ngân hàng trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0, chỉ ra những điểm nghẽn trong quá trình khai thác và ứng dụng công nghệ 4.0 của hệ thống NHTM Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất hệ thống giải pháp cần thiết và khuyến nghị khung pháp lý phù hợp cho phát triển dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh này.
Nhóm nghiên cứu cho biết, theo khảo sát, hiện các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu với công nghệ trí tuệ nhân tạo để tiến hành: phân tích hành vi khách hàng nhằm xây dựng chính sách bán hàng cho phù hợp, chấm điểm tín dụng nhằm duyệt hạn mức thấu chi hay phát hành thẻ tín dụng bằng cách kết hợp chỉ số tín nhiệm với dữ liệu lịch sử giao dịch của khách hàng, ngân hàng có thể đưa ra điểm số rủi ro khi quyết định cấp tín dụng và xây dựng các chương trình thưởng cho khách hàng thân thiết.
ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng Quản trị Vietcombank, chủ nhiệm đề tài trao đổi tại Hội thảo. |
Ngoài ra, hợp tác với Fintech trên nền tảng của Bigtech là một xu hướng nổi bật. Lĩnh vực hợp tác chủ yếu giữa các ngân hàng với Fintech tập trung ở lĩnh vực thanh toán (giải pháp thanh toán di động, ví điện tử hay trung gian thanh toán) và xác thực khách hàng.
Bên cạnh đó, định hướng xây dựng ngân hàng mở với hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng đầy đủ được nhiều ngân hàng xây dựng và triển khai. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy mở rộng hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng được cho là một trong ba xu hướng chủ đạo trong thời gian tới bên cạnh việc cá nhân hóa dịch vụ và triển khai hợp kênh. Một số ngân hàng như VietinBank, OCB, Agribank, BAC A Bank, BIDV, VPBank, Vietcombank… đều đã có những bước đi tiên phong trong việc ứng dụng API mở. Một số ngân hàng còn sử dụng các kiến trúc Microservices để đẩy nhanh quá trình tích hợp với các đối tác hệ sinh thái mới.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo. |
Hiện nay, các kênh số ngày càng chiếm vai trò chủ đạo, khảo sát cho thấy có 3/4 số ngân hàng trong diện khảo sát có trên một nửa số khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số. Trong đó, 50% ngân hàng có trên 70% khách hàng của họ sử dụng kênh ngân hàng số, 25% ngân hàng có tỷ lệ từ 50-70%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ 4.0. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ 4.0 tập trung nhiều và đạt được nhiều kết quả ở dịch vụ thanh toán cũng như tiền gửi, trong khi đó dịch vụ tín dụng mới ở những bước đầu. Ngoài ra, các thương hiệu ngân hàng số đã xuất hiện nhưng còn khá mới mẻ và khiêm tốn về số lượng cũng như quy mô.
Bên cạnh đó, các công ty Fintech chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, hoạt động cho vay với quy mô còn hạn chế. Mức độ trưởng thành, khả năng hấp thụ công nghệ và số hóa của các nhóm khách hàng rất đa dạng dẫn tới khả năng tiếp cận khách hàng ở một số phân khúc trung và cao tuổi hoặc tập khách hàng ở vùng sâu vùng xa trên kênh số/điện tử gặp khó khăn; hạn chế về nguồn nhân lực, pháp lý…
Để thúc đẩy việc phát triển sản phẩm ngân hàng mới, nhóm nghiên cứu đề xuất cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản về giao dịch điện tử để phù hợp với thực tiễn ứng dụng công nghệ số (thừa nhận giá trị pháp lý dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử; thừa nhận hình thức xác thực với trường hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain); quy định cụ thể về an ninh an toàn bảo mật trong giao dịch điện tử; quy định cụ thể về ký giao kết thỏa thuận/ hợp đồng điện tử; quy định định danh, xác thực trong giao dịch điện tử).
Cùng với đó, sửa đổi quy định tại Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn về cho vay trực tuyến đối với các khoản vay cá nhân, giá trị nhỏ theo hướng yêu cầu về thẩm định, cho vay, quy trình nội bộ,… phù hợp để có thể thực hiện tự động hóa hoàn toàn; sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động thanh toán phù hợp với sản phẩm dịch vụ mới và xu thế hợp tác ngân hàng – Fintech.
NHNN cũng cần cho phép một số NHTM triển khai thí điểm ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, robot tự động, chuỗi khối…; thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cấp hạ tầng thanh toán của toàn Ngành; tiến hành nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi của cả NHNN và các TCTD; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành Ngân hàng dùng chung, cũng như cơ sở dữ liệu của từng TCTD…