Số hóa hệ sinh thái dữ liệu phục vụ quản trị dữ liệu và cuộc sống người dân là nội dung trọng tâm được các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi và chia sẻ tại Hội thảo về quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị và giám hộ dữ liệu.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị và giám hộ dữ liệu. (Ảnh: PH) |
Hội thảo diễn ra ngày 16/8 tại Hà Nội, do Tổng cục Thống kê Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đồng chủ trì.
Hội thảo quốc tế do UNFPA hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong khuôn khổ Dự án: “Hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển có chất lượng phục vụ xây dựng và giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời theo dõi tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững”.
Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và các nền tảng truyền thông mới trong việc thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu, đảm bảo các chính sách, chiến lược, chương trình dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.
Đất nước phát triển cần dữ liệu tin cậy
Chia sẻ với báo chí tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, một đất nước phát triển cần phải có dữ liệu rất tin cậy, minh bạch và đặc biệt là phải được kết nối, chia sẻ rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Một đất nước phát triển cần phải có dữ liệu rất tin cậy, minh bạch và đặc biệt là phải được kết nối, chia sẻ rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý”. |
Theo bà Nguyễn Thị Hương, việc khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong sản xuất thông tin thống kê đã và đang trở thành xu hướng trong công tác thống kê của nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuy vậy, sử dụng dữ liệu hành chính trong thống kê hiện nay ở Việt Nam còn gặp một số khó khăn, thách thức. Nguồn dữ liệu hành chính được thiết lập ban đầu phục vụ chính cho công tác quản lý, điều hành của bộ, ngành chứ không phải cho mục đích thống kê.
“Do vậy, để khai thác và sử dụng trong công tác thống kê cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp tục hoàn thiện các dữ liệu hành chính để phục vụ sử dụng đa mục tiêu. Nhiều bộ, ngành chưa triển khai đồng bộ các cơ sở dữ liệu, chưa sẵn sàng kết nối thông tin với cơ quan thống kê”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng hệ thống dữ liệu tin cậy và minh bạch. Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, ngoài công cụ về chính sách, cần triển khai các hạ tầng về công nghệ. Hạ tầng quan trọng cho việc tạo dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả.
Song song với đó, bà Nguyễn Thị Hương cũng nêu bật tầm quan trọng của nguồn nhân lực tốt trong tạo dựng, sử dụng, chia sẻ cũng như áp dụng các kiến thức về dữ liệu để tạo ra thông tin, từ đó, đưa ra được quyết định chính xác và hiệu quả, giúp cho đất nước phát triển.
Bà Nguyễn Thị Hương bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng hành hiệu quả hơn nữa của các bộ, ngành, cơ quan thống kê quốc gia, tổ chức quốc tế trong xây dựng, vận hành hệ thống quản lý hệ sinh thái, quản trị và giám hộ dữ liệu thống kê thời gian tới.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần có số liệu thống kê chất lượng, đáng tin cậy vừa làm cơ sở cho hoạch định chính sách, vừa là yếu tố căn bản để xây dựng, thực hiện triển khai, giám sát và đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững.
“Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”
Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Phụ trách văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc – UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có các dữ liệu dân số chất lượng cao.
“Cam kết của chúng tôi là không để ai bị bỏ lại phía sau, có nghĩa là phải tính đến từng người để có thể tiếp cận tới tất cả mọi người, kể cả những người bị thiệt thòi nhất. Dữ liệu có chất lượng, đáng tin cậy, nhất quán và có thể so sánh được là một yếu tố quan trọng để biến điều này thành hiện thực. UNFPA vẫn thường nói rằng những quốc gia có dữ liệu có chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế – xã hội ấn tượng. Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”, ông Rémi Nono Womdim chia sẻ.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam: “Những quốc gia có dữ liệu có chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế – xã hội ấn tượng. Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn” |
Về tầm quan trọng của dữ liệu, chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo, Giáo sư Paul Cheung, Nguyên Giám đốc Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD), Nguyên Tổng cục trưởng Cơ quan Thống kê quốc gia Singapore (DOS) và hiện là Giám đốc Học viện Cạnh tranh châu Á, Đại học quốc gia Singapore, nhấn mạnh 3 thông điệp. Thứ nhất, thế giới thay đổi nhanh và hiện dữ liệu đóng vai trò then chốt trong quản trị của các chính phủ, tức là chính phủ phải đóng vai trò quản lý dữ liệu hiệu quả hơn. Vì thế các cơ quan thống kê quốc gia cần phải có vai trò lớn hơn trong quản lý dữ liệu.
Thứ hai, khi đã có một hệ sinh thái dữ liệu thì cần hiểu tầm quan trọng của hệ thống này và xây dựng những phương pháp, chương trình phù hợp để khai thác, tận dụng được hết các giá trị mang lại của hệ sinh thái dữ liệu.
Giáo sư Paul Cheung: “Với Singapore, ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực dữ liệu là hệ thống chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu và thực hiện. Mặc dù được chia sẻ dễ dàng nhưng luôn đảm bảo tính bảo mật cao”. |
Thứ ba, liên quan giám hộ dữ liệu. Vấn đề hiện nay của nhiều quốc gia là không thể tiếp tục tình trạng mỗi cơ quan tự quản lý hệ thống dữ liệu riêng của mình mà cần phải làm thế nào kết nối các hệ thống dữ liệu đó; biến dữ liệu thành dịch vụ để công chúng truy cập và khai thác những giá trị của dữ liệu.
Theo ông Rémi Nono Womdim, dữ liệu hiện nay không chỉ đến từ một nguồn mà còn từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy, việc quản lý và tích hợp dữ liệu vô cùng quan trọng.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm của Singapore, ông Rémi Nono Womdim cho biết, Singapore đã thành lập một cơ quan chuyên trách quốc gia để ban hành những chính sách, yêu cầu, quy định về dữ liệu. Khi có nguồn dữ liệu tích hợp thì có thể sử dụng rất thuận tiện với nhiều mục đích khác nhau. Với Singapore, ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực dữ liệu là hệ thống chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện. Mặc dù được chia sẻ dễ dàng nhưng luôn đảm bảo tính bảo mật cao.
Hiện nay Singapore đã xây dựng một Cổng thông tin (My Information) tập hợp dữ liệu cá nhân có thể truy xuất nhanh chóng và bảo mật, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như mở thẻ tín dụng.
Ông Rémi Nono Womdim cũng chia sẻ triết lý của Singapore trong việc số hóa để quản lý đất nước. Singapore quan niệm rằng, số hóa là chìa khóa để quản lý quốc gia một cách thông minh. Yêu cầu số hóa luôn được đặt lên hàng đầu.