Chiều ngày 26/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM đã ban hành văn bản khẩn về việc triển khai công tác truyền thông, nhắn tin tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng. Theo đó, để bảo vệ trẻ em trước dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của tác nhân Enterovirus 71, đề nghị phòng GD&ĐT các quận huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các trường mầm non, nhóm trẻ và các trường tiểu học trên địa bàn có biện pháp tăng cường truyền thông về loại bệnh này cho phụ huynh học sinh.
Các hình thức truyền thông là gửi tin nhắn qua Zalo cho nhóm phụ huynh; in và phát cho phụ huynh hoặc dán tại lớp học, khu vực chờ đón trẻ với nội dung: “Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà… Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế”.
Được biết, tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn TP HCM. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), chỉ trong tháng 6, toàn thành phố đã ghi nhận 2.690 ca mắc tay chân miệng. Nhưng chỉ trong tuần 29 (từ ngày 17 – 23/7), số ca bệnh tay chân miệng tại lại tăng nhanh, với 2.356 ca bệnh.
Các ca mắc tay chân miệng được phát hiện có nguyên nhân gây bệnh từ Enterovirus (EV71) – chủng virus có độc lực cao, có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong. Virus này cũng là tác nhân gây ra các đợt dịch bệnh lớn vào các năm 2011 và 2018. Ngành Y tế thành phố cũng dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.
Để ứng phó với dịch tay chân miệng, Sở Y tế TP HCM đã xây dựng kịch bản gồm 3 cấp độ, phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tuy nhiên hiện tại các bệnh viện ở thành phố đang phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh, thành khác chuyển đến (chiếm 60-80%), trong đó có những ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch. Vì vậy mà cơ số thuốc dự trữ của thành phố dự kiến không đủ đáp ứng với tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh.
Hiện nay thành phố đang ở tình huống thứ 2 (50-100 ca nhập viện mới/ngày, 200-700 ca điều trị nội trú, 20-70 ca nặng ứng với quy mô giường bệnh là 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực). Lượng thuốc IVIG dùng mỗi ngày tăng từ 80-150 lọ (từ ngày 7 đến 13/7) và tăng lên đến xấp xỉ 200 lọ thuốc (từ ngày 13/7 trở đi) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi lượng tồn IVIG tại các bệnh viện hiện khoảng 2.400 lọ, và dự kiến đến cuối tháng 8 tới mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến cuối của một số tỉnh, thành có năng lực tiếp nhận điều trị bệnh tay chân miệng như Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai…, nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển viện được an toàn, hiệu quả.
Sở Y tế cũng cũng kiến nghị Cục Quản lý dược sớm phê duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG nếu có, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía Nam.
Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học.
Giai đoạn khởi phát của tay chân miệng, trẻ có dấu hiệu đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy. Giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có triệu chứng viêm loét miệng, sốt (37,5 – 38 độ C), phát ban dưới dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông.
Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, một tỷ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.