Không muốn con phải chuyển trường
“Sáng nay (21/3), các phụ huynh đều có ý là không muốn con phải chuyển trường. Họ mong muốn Sở làm sao trao đổi với chủ đầu tư để cho phụ huynh tiếp quản, điều hành nhà trường. Đây là một điều không khả thi vì vượt khỏi thầm quyền của Sở“, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trao đổi về những vấn đề liên quan Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường quốc tế AISVN, địa chỉ huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Trường quốc tế AISVN là trường tư thục với 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT. Trường có 129 giáo viên nước ngoài, 26 giáo viên Việt Nam.
Ngày 4/3 vừa qua, 53 giáo viên của trường có đơn xin nghỉ phép vì bị ốm. Sau đó, lượng giáo viên nghỉ dạy tăng lên. Đến ngày 20/3, toàn trường có 85 giáo viên không đến trường.
Nắm được sự việc, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có nhiều buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Út Em – Chủ tịch hội đồng trường. Tại các buổi làm việc này, bà Út Em cho biết trường đang gặp khó khăn về tài chính, không thể chi trả lương đầy đủ cho giáo viên và nhân viên trường. Hiện trường đang trong quá trình liên hệ các quỹ đầu tư để thực hiện tái cấu trúc trường.
Sở yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng khẩn trương thực hiện giải pháp xử lý, chấm dứt tình trạng giáo viên xin nghỉ đồng loạt để đảm bảo việc tổ chức hoạt động giáo dục ổn định tại trường, đảm bảo tối đa quyền lợi học tập cho học sinh.
Tới thời điểm hiện tại, đại diện trường cho biết vẫn đang tiếp tục liên hệ các quỹ đầu tư để thực hiện tái cấu trúc trường. Đại diện trường cũng cam kết sau một tuần sẽ có lộ trình phương án giải quyết việc dạy học cho học sinh.
Tại buổi làm việc với các phụ huynh ngày 21/3, Sở đưa giải pháp xử lý. Theo đó, trong trường hợp phụ huynh có nhu cầu chuyển trường cho con, Sở sẽ liên hệ với các trường cùng đào tạo theo chương trình IB (tú tài quốc tế) để thuận lợi cho việc chuyển trường.
Để kịp thời hướng dẫn các phản ánh của phụ huynh, Sở GD&ĐT TP.HCM đã lập đường dây nóng (SĐT: 028.38294016; Email: [email protected]) để tiếp nhận thông tin từ phụ huynh, đồng thời thành lập tổ chuyên trách xử lý đơn thư của phụ huynh.
Học phí “khủng”, vẫn nợ lương giáo viên
Theo tìm hiểu của PV VTC News, Trường quốc tế AISVN là hệ thống trường liên cấp từ mầm non đến lớp 12. Trường có gần 1.300 học sinh đang theo học. Theo công bố, học phí năm học 2023 – 2024 của trường này dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm, chưa tính nhiều khoản chi phí khác.
Trong gần 1.300 học sinh, có 1.000 em được phụ huynh đóng học toàn phần từ lớp 1 tới lớp 12, số còn lại được phụ huynh đóng học phí theo từng năm.
“Tôi có 2 bé theo học tại trường, vợ chồng tôi đã đóng 8,2 tỷ đồng cho bà Út Em để các con học từ lớp 1 tới lớp 12 luôn. Theo như hứa hẹn của bà ấy, sau khi các con tôi học hết 12, trường sẽ hoàn lại số tiền đã đóng, như dạng góp vốn đầu tư.
Một số học sinh khác chọn đóng theo năm thì không được hoàn lại tiền. Mức học phí cũng như nhau, theo bảng học phí đã công bố: Lớp bé nhất 280 triệu đồng/năm, lớp lớn nhất 725 triệu đồng/năm. Thêm một số chi phí khác như phí hồ sơ, ghi danh, ngoại khóa, xe buýt… cũng gần 200 triệu đồng/năm nữa”, chị T.H, phụ huynh học sinh cho biết.
Với mức học phí quá cao và số tiền “khủng” đã thu từ phụ huynh, nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao nhà trường lại để xảy ra tình trạng nợ lương, khiến giáo viên nghỉ dạy và học sinh không thể lên lớp.
“Chính chúng tôi là phụ huynh, là người đóng tiền mà chúng tôi cũng không thể biết bà Út Em đã làm gì với số tiền đó”, chị N.H, phụ huynh học sinh lớp 9 bức xúc.
Theo chị H., hồi chị chuẩn bị cho con nhập học, bà Út Em đã phát hành hợp đồng đầu tư, hứa hẹn chương trình đào tạo dài hạn rằng sau khi tốt nghiệp THPT sẽ được hoàn tiền. Thế nhưng sau khi chị và các phụ huynh khác đóng tiền, bà Út Em sử dụng toàn bộ số tiền đó làm gì không một ai biết.
Tháng 10/2023, trường cũng một lần suýt đóng cửa vì nợ lương, nợ bảo hiểm… của giáo viên và nhân viên trường. Sau đó khủng hoảng được giải quyết nhờ vào số tiền quyên góp của phụ huynh lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trước tình trạng con em có thể phải nghỉ học kéo dài, phụ huynh học sinh Trường quốc tế AISVN hiện như “ngồi trên đống lửa”. Đặc biệt là đối với học sinh lớp 12, khi kỳ thi IB (tú tài quốc tế) chỉ còn 1 tháng.
Trước mắt, phụ huynh các khối đã thống nhất quyên góp tiền, hỗ trợ chi phí cho giáo viên. Chỉ trong 2 ngày khởi xướng, số tiền quyên góp đã lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi khối.
“Giáo viên không hề có lỗi, các thầy cô hầu hết đều là người nước ngoài, chi phí ăn ở rất cao, nợ lương 3 tháng thì họ không thể cầm cự được. Chúng tôi quyên góp, mong rằng thầy cô sẽ cố gắng đồng hành với các con”, một phụ huynh lớp 12 nói.