Theo Sá» GD&ÄT TP.HCM, môn Ngoại ngữ là m môn thứ 3 thi và o lá»p 10 giúp giữ á»n Äá»nh tâm lý, phù hợp vá»i mục tiêu Äá»nh hÆ°á»ng nghá» nghiá»p của há»c sinh.
Thông tin trên được Sở GD&ĐT TP.HCM nêu tại văn bản gửi Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT về góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT lần 2.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng việc quyết định môn thi thứ 3 trong kỳ thi lớp 10 phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh.
Căn cứ chương trình GDPT 2018, cấp THPT có 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Lịch sử. Trong đó môn Ngoại ngữ bắt buộc học sinh phải học xuyên suốt từ năm lớp 3 đến hết lớp 12.
Các môn còn lại gồm Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa Lý, Công nghệ và Tin học khi lên THPT học sinh có thể không lựa chọn học trong suốt 3 năm học (do định hướng nghề nghiệp của các em). Vì vậy việc lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài Toán, Văn dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó gây ra “sốc” tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi cho các em.
“Trên cơ sở đó việc lựa chọn môn Ngoại ngữ làm môn thứ ba đảm bảo được vấn đề giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của tất cả học sinh do đặc điểm xuyên suốt trong chương trình GDPT 2018.
Đồng thời việc lựa chọn môn Ngoại ngữ đáp ứng đúng với mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra, đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học và hướng tới cho người học với xu hướng thành công dân toàn cầu trong tương lai”, Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh.
Theo dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tuyển sinh 10 từ năm học 2025 – 2026 tới đây có 3 môn thi, bao gồm môn Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn, được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Bên cạnh ý kiến đóng góp nói trên, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị nên cho phép mỗi địa phương được quyền quyết định thời điểm công bố điểm chuẩn dựa trên đặc điểm tuyển sinh của địa phương, đảm bảo quyền lợi thí sinh và phù hợp với lịch khai giảng của Bộ.
Điều này nhằm mục tiêu giúp địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của khu vực. Tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường, nhiều loại hình cùng lúc, gây mất cân đối chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
Từ đó tạo điều kiện cho các trường THPT chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân sự phù hợp với số lượng học sinh thực tế, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và tối ưu hóa việc phân bổ học sinh theo đúng nguyện vọng và năng lực.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị ban hành một quy chế tuyển sinh THCS và THPT thống nhất trên toàn quốc.
Quy chế này sẽ là cơ sở để các Sở GD&ĐT xây dựng quy định tuyển sinh phù hợp với địa phương mình; giúp công tác tuyển sinh THCS và THPT ngày càng công khai, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Nguồn: https://vtcnews.vn/so-gd-dt-tp-hcm-de-xuat-chon-ngoai-ngu-la-mon-thu-3-thi-vao-lop-10-ar914238.html