Theo đó, TP.HCM hiện có 2.314 trường, trong đó ngoài công lập là 964 trường chiếm 41,65%; 31 trường có yếu tố nước ngoài gọi là trường quốc tế (trong đó có 13 trường mầm non, 18 trường phổ thông có nhiều cấp học).
Cũng theo thống kê từ Sở GD-ĐT, các trường quốc tế và cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút một lượng giáo viên nước ngoài khá lớn với 7.509 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đến từ 111 quốc gia. Trong đó quốc gia có số lượng giáo viên người nước ngoài nhiều nhất là Vương quốc Anh với 1.564 người, quốc gia có số giáo viên người nước ngoài thấp nhất là Mông Cổ, Panama, Turkmenistan, Paraguay, Uruguay…
Về điều kiện liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, hiện nay các nhà đầu tư gặp khó khăn do thuê mướn mặt bằng, dự kiến cải tạo thành cơ sở giáo dục nhưng dự án đầu tư không được phê duyệt do vị trí đất không thuộc quy hoạch mạng lưới giáo dục.
Từ đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất với các sở, ban ngành thống nhất quy định và có hướng tháo gỡ về việc sử dụng đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Về tiếp nhận học sinh người Việt Nam, căn cứ Điều 39 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học chương trình giáo dục của nước ngoài. Số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục. Thực tế hiện nay, xu thế thời đại là hội nhập quốc tế nên nhu cầu tiếp cận chương trình nước ngoài của người dân Việt Nam tăng cao. Vì vậy Sở GD-ĐT đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài trong các trường quốc tế.
Về việc sử dụng lao động người nước ngoài cho vị trí “giáo viên mầm non”, hiện các cơ sở giáo dục nước ngoài căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 72 luật Giáo dục quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non và điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về đội ngũ nhà giáo đối với cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên người nước ngoài do đa số chưa đạt tiêu chuẩn của vị trí việc làm giáo viên mầm non theo quy định nên chưa được cấp giấy phép lao động để tham gia giảng dạy.
Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng nhận được ý kiến từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đối với các vấn đề khó khăn trong việc cấp giấy phép lao động theo đúng chức danh công việc giáo viên mầm non do sự khác nhau của chương trình đào tạo giáo viên của các nước trên thế giới. Được biết, Sở GD-ĐT cũng đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với người nước ngoài được sử dụng để tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa nhận được phúc đáp. Từ đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất Bộ có hướng dẫn cụ thể đối với danh mục các loại bằng cấp tương đương hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non đối với đối tượng là giáo viên nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non.