Mới đây, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã đón và làm việc với đoàn Hội Hữu nghị Okinawa (Nhật Bản) – Việt Nam.
Đoàn Hội Hữu nghị Okinawa – Việt Nam do ông Goto Katsuhiko cùng nghệ nhân sáo trúc Tachibana Saburo,là Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Okinawa – Việt Nam (Nhật Bản) đã có công tác tại thành phố Huế từ ngày 09 – 11/8/2024. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Huế lần này, đoàn có mong muốn được đến tìm hiểu về đề án phát triển du lịch Huế, các loại hình âm nhạc của Huế nhằm quảng bá và kết nối du lịch Huế đến người dân tỉnh Fukushima và tỉnh Okinawa (Nhật Bản).
Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, vùng đất sông Hương – núi Ngự là nơi hội tụ nhiều dòng nhạc mang đậm bản sắc Huế như dòng nhạc cung đình bác học, dòng nhạc dân gian, dòng nhạc tín ngưỡng tôn giáo, cùng với nền tảng thơ văn, mỹ thuật, lễ hội dân gian và làng nghề thủ công truyền thống góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Huế xưa và nay. Những năm gần đây, du lịch Huế khá thành công với loại hình du lịch mới, tuy nhiên, Huế là một vùng đất có thể phát triển các loại hình du lịch khác và du lịch âm nhạc là một tiềm năng lớn cần được đánh thức.
Từ sau đại dịch COVID-19, các xu hướng du lịch dần thay đổi, nhu cầu xem biểu diễn âm nhạc cũng vậy. Các đơn vị tổ chức biểu diễn thường chọn địa điểm tổ chức âm nhạc là những nơi có phong cảnh đẹp với những bài hát, tiết mục nghệ thuật mang tính chất chữa lành. Với loại hình tổ chức này, khán giả không những thỏa mãn được tai nghe mà còn mãn nhãn với cảnh đẹp. Ngoài ra, việc kết hợp du lịch khi xem biểu diễn giúp du khách vừa có cơ hội nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa và đặc biệt là ẩm thực của nhiều vùng đất mới.
Huế sở hữu một vùng cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú từ núi đồi, sông nước, biển cả; Huế cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với 5 di sản được công nhận là di sản của nhân loại. Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại vào 07/11/2003 và lễ đón bằng công nhận được tổ chức tại thủ đô Paris nước Pháp vào ngày 31/01/2004. Đây là vinh dự và niềm tự hào to lớn cho Huế cũng như dân tộc Việt Nam.
Tiềm năng để xây dựng âm nhạc thành một sản phẩm du lịch là rất lớn. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch với thể loại nhã nhạc cung đình Huế khá thu hút du lịch. Nhà hát đã sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Phú lục địch, Kim tiền (Tiểu nhạc), Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng và các trích đoạn tuồng Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá, Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất Lân nhi… các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương… Nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem, trong đó có vở “Người khởi nghiệp đàng trong” được công chúng đánh giá cao.
Bên cạnh đó, nghe ca Huế trên Sông Hương là hoạt động biểu diễn nghệ thuật nghe ca Huế và thả đèn hoa đăng trên sông Hương. Đây là tour du lịch buổi tối được rất nhiều khách du lịch trải nghiệm khi đến Huế. Tham gia tour nghe ca Huế, du khách sẽ được trải nghiệm loại hình âm nhạc đặc sắc của Huế, được đi thuyền rồng, thả hoa đăng, ngắm sông Hương, thành phố Huế và cầu Trường Tiền lung linh dưới ánh đèn đêm.
Hai bên dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai các bước hợp tác giữa hai địa phương, như tổ chức các sự kiện giới thiệu văn hóa, du lịch, hợp tác phát triển du lịch âm nhạc, du lịch nông nghiệp… và giới thiệu tiềm năng du lịch giữa hai địa phương trong thời gian tới.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/so-du-lich-thua-thien-hue-don-tiep-va-lam-viec-voi-doan-hoi-huu-nghi-okinawa-nhat-ban-viet-nam-20240812153828097.htm