Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) vừa thực hiện khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến hết tháng 2/2023 và có báo cáo lên UBND TP.HCM.
Kết quả cho thấy, 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn gồm: thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%); khó tiếp cận nguồn vốn (40%); lãi suất vay cao (43%); thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)….
Ngoài ra, số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, lý do vì không có đơn hàng dự trữ.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% trong quý I/2023. Hiệp hội lo ngại rằng, “đây là tính hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới”.
Cụ thể hơn, báo cáo của Huba cũng chỉ ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao. Bên cạnh đó là tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm 2023.
Đối với ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, đơn hàng đầu năm giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý II/2023 với mức giảm khoảng 50-60%. Nguyên nhân, do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ; người dân, doanh nghiệp trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sửa chữa.
Lĩnh vực bất động sản đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng, một số lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn gây áp lực lên thị trường ngành.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của nhóm vật liệu xây dựng sụt giảm, đặc biệt, tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng sản xuất thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng giảm do đầu tư công, dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau.
Kiến nghị khống chế lãi suất cho vay dưới 8,5%
Huba cho biết, hiện, lãi suất vay hầu hết trên 10%/năm, gây khó cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%/năm.
Cùng với đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung, dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch giảm lãi suất vay cho các lĩnh vực ưu tiên là sản xuất, xuất khẩu; Ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời, cho doanh nghiệp, cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ.
Đáng chú ý, Huba kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu được gia hạn, mua lại, tất toán các khoản nợ với trái chủ. Theo đó, các trái phiếu có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 6 tháng; trái phiếu có kỳ hạn 2 năm được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm được gia hạn 18 tháng.
“Cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023”, Huba đề xuất.